ĐỀ 1
I. Phần I: Đọc – hiểu (5,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Lên núi Múa ngắm mùa lúa xanh
Những ngày nghỉ lễ, người người đổ về chiêm bái và du ngoạn Tràng An, Bái Đính hay Tam Cốc - Bích Động. Chốn non nước Ninh Bình chỉ hấp dẫn chúng tôi khi cảnh sắc thiên nhiên không bị vướng bận những dòng người ùn ùn kéo tới ồn ào và xô bồ. Nghe lời bạn giới thiệu, tôi tìm đến hang Múa - một quần thể hang, núi đá vôi nằm trong khu Tam Cốc - Bích Động thuộc xã Ninh Xuân, Hoa Lư. Chẳng biết ai đã đặt tên cho hang Múa nhưng nghe nói đây là nơi vua Trần thường tới đây nghe các cung nữ ca múa và từ đó có tên như vậy.
Nắng chiều tháng 5 rót vàng xuống ngọn núi Múa. Từ chân núi nhìn lên, cảm tưởng như đang lạc vào thế giới tiên cảnh trong những bộ phim cổ trang. Một con đường uốn mình quanh ngọn núi dẫn lên đỉnh, trên cao tít là những ngọn tháp, đứng sừng sững như biểu tượng của cả ngọn núi. Không có mấy du khách đến đây. Cả không gian yên tĩnh, thanh bình. Thỉnh thoảng có vài người tới rồi đi nhưng ai cũng lặng lẽ, như sợ chỉ một tiếng động nhỏ thôi cũng phá hỏng không gian đầy chất thi họa này.
Quả thật với người ít vận động, leo từ chân núi lên đỉnh với hơn 400 bậc đá là một thử thách thật sự. Càng lên cao, cả không gian rộng lớn bên dưới như thu vào tầm mắt. Những cánh đồng xanh lúa mới hiện ra trong nắng với những núi đá đủ kích cỡ đứng sừng sững. Xa xa hơn là làng mạc và thành phố đang phát triển dần. Các ngọn tháp dần thu vào tầm mắt, chỉ còn ngọn tháp trên đỉnh cao nhất vẫn đầy thử thách. Thôi thúc bởi khu cảnh bên kia núi hướng về Tam Cốc, chúng tôi có động lực để hoàn thành nốt những bậc thang cuối cùng.
Sau gần 30 phút, đỉnh núi đã hiện ra trước mắt. Khung cảnh nhìn từ đỉnh núi Múa đẹp một cách ngỡ ngàng. Trên đỉnh núi có một bức tượng Phật bà Quan Âm. Dưới chân núi là con sông Ngô Đồng uốn mình quanh những dãy núi đá vôi, ôm ấp những thửa ruộng xanh non. Những con đò khua mình trên dòng nước đưa du khách qua ba hang núi tự nhiên. Từ trên cao, những con đò như những chấm nhỏ, điểm xuyết trên nền bức tranh dệt bằng đá núi, lúa xanh và dòng nước.
[…]
Chúng tôi dạo bước ra về trong ánh nắng chiều đang đổ bóng lên khoảng sân được ôm bởi núi Múa và hang động. Giữa sân là một hồ nước màu xanh rêu cổ kính với cây cầu bắc ngang dòng sông và những cây si cổ thụ phủ bóng xuống mặt hồ. Cảnh vật vẫn còn đẹp để quyến luyến du khách chẳng nỡ rời đi.
(
Theo Minh Đức, Trang báo Tuổi trẻ online, ngày 12/05/2016)
Câu 1 (1,0 điểm) Hãy xác định thể loại và các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2 (1,0 điểm) Nhân vật “tôi” đã kể về hành trình khám phá núi Múa theo trình tự như thế nào?
Câu 3 (1,5 điểm) Xác định và chỉ ra tác dụng của những biện pháp tu từ trong câu sau:
Một con đường uốn mình quanh ngọn núi dẫn lên đỉnh, trên cao tít là những ngọn tháp, đứng sừng sững như biểu tượng của cả ngọn núi.
Câu 4 (1,5 điểm). Khi nhìn từ đỉnh núi Múa, khung cảnh phía dưới hiện lên như thế nào? Qua đó, em hãy nêu suy nghĩ, cảm nhận của mình về nét độc đáo của khung cảnh ấy khi được nhìn từ trên cao?
II. Phần II: Viết (5,0 điểm)
Việc bị người khác phê bình là điều không ai mong muốn, nhưng những lời phê bình lại giúp ta trưởng thành hơn. Em hãy kể về một lần mà mình bị phê bình.
ĐÁP ÁN
I. Phần Đọc – hiểu: 5,0 điểm |
Câu |
Nội dung |
Điểm |
Câu 1
|
* Thể loại: kí (du kí).
* Các phương thức biểu đạt trong văn bản: tự sự, miêu tả.
|
0.5
0.5 |
Câu 2 |
* Nhân vật “tôi” đã kể về hành trình khám phá núi Múa theo trình tự thời gian và không gian:
- Trình tự thời gian: từ lúc nhân vật “tôi” mới tìm đến hang Múa cho đến hành trình khám phá nơi đây và tới khi ra về “trong ánh nắng chiều”.
- Trình tự không gian (từ thấp lên cao): từ chân núi đến đỉnh núi.
|
0.5
0.5
|
Câu 3 |
* Biện pháp tu từ so sánh: “những ngọn tháp đứng sừng sững như biểu tượng của cả ngọn núi”.
+ Tác dụng: Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt (Giúp hình ảnh những ngọn tháp trở nên sinh động, mang vẻ đẹp kì vĩ và lớn lao).
* Biện pháp tu từ nhân hoá: “Một con đường uốn mình quanh ngọn núi dẫn lên đỉnh, trên cao tít là những ngọn tháp, đứng sừng sững như biểu tượng của cả ngọn núi”.
+ Tác dụng: Giúp cho hình ảnh “con đường” và “những ngọn tháp” trở nên sống động, gần gũi với con người.
|
0.75
0.75 |
Câu 4
|
Khi nhìn từ đỉnh núi Múa, khung cảnh phía dưới hiện lên “đẹp một cách ngỡ ngàng”:
+ “Con sông Ngô Đồng uốn mình quanh những dãy núi đá vôi, ôm ấp những thửa ruộng xanh non”.
+ “Từ trên cao, những con đò như những chấm nhỏ, điểm xuyết trên nền bức tranh dệt bằng đá núi, lúa xanh và dòng nước”.
- Khi được nhìn từ trên cao, khung cảnh ấy trở nên vô cùng độc đáo và hấp dẫn:
+ Khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật thơ mộng, trữ tình, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp với “đá núi, lúa xanh và dòng nước”.
+ Khung cảnh ấy gợi lên tình yêu thiên nhiên tha thiết cũng như niềm tự hào về những vẻ đẹp của quê hương, đất nước mình,…
|
0.75
0.75
|
II. Phần Viết (5,0 điểm) |
Mở bài |
Giới thiệu được kỉ niệm một lần bị phê bình
|
0,5 |
Thân bài
|
- Trình bày chi tiết về thời gian, không gian, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.
- Trình bày chi tiết những nhân vật liên quan.
- Trình bày các sự việc theo trình tự rõ ràng, hợp lí.
(Kết hợp kể và tả. Sự việc này nối tiếp sự việc kia một cách hợp lí).
- Sự thay đổi của bản thân từ lần bị phê bình đó |
1,0
1,0
1,0 |
Kết bài
|
Nêu ý nghĩa, cảm xúc của lần bị phê bình đối với bản thân. |
0,5
|
* Các tiêu chí khác cho nội dung phần II viết bài văn: 1,0 điểm |
|
Trình bày sạch, bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, ít mắc các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt. |
0,25 |
Sử dụng ngôn ngữ kể chuyện chọn lọc, có sử dụng kết hợp biện pháp tu từ đã học để miêu tả. Ngôn ngữ giàu sức biểu cảm, bài viết lôi cuốn, hấp dẫn, cảm xúc. |
0,5 |
Bài làm cần tập trung làm nổi bật trải nghiệm của bản thân. Kể chuyện theo một trình tự hợp lý, logic giữa các phần, có sự liên kết. |
0,25 |