Trong mối quan hệ giữa khoa học và công nghệ thì khoa học hướng tới khám phá, tìm hiểu, giải thích thế giới; còn công nghệ, dựa trên những thành tựu của khoa học, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công nghệ để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, cải tạo thế giới, định hình môi trường sống của con người.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục công nghệ được thực hiện từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học và môn Công nghệ ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Công nghệ là môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản; là môn học lựa chọn, thuộc nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Chương trình môn Công nghệ hình thành, phát triển ở học sinh năng lực công nghệ và những phẩm chất đặc thù trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ để học tập, làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ ở gia đình, nhà trường, xã hội và lựa chọn ngành nghề thuộc các lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ; đồng thời cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác, góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung; thực hiện các nội dung xuyên chương trình như phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tài chính.
Tiết chuyên đề đã diễn ra trong không khí sôi nổi và đầy hứng khởi. Tới dự và chỉ đạo chuyên đề có thầy Đặng Sỹ Đức – Phó hiệu trưởng nhà trường, thầy Trần Văn Đô - Tổ trưởng chuyên môn cùng các thầy cô của Tổ Tự nhiên 1. Sự góp mặt của đông đảo các thầy cô giáo đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc đến việc đổi mới phương pháp dạy học cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Công Nghệ.
Sự nhiệt huyết, tuổi trẻ đầy sáng tạo và năng động, từ những hoạt động mở đầu cô Dương Thu Hương đã gây sự hứng thú, tò mò, tìm tòi của học sinh tới nội dung bài học: “Ngôi nhà thông minh”. Với phương pháp dạy học mới lạ kết hợp với các hoạt động nhóm. Giúp cho học sinh cảm thấy mình luôn trong vai trò chủ động tìm hiểu bài học. Khám phá kiến thức mới, hào hứng dây dựng bài học. Còn giúp cho học sinh tự tin, thoải mái đưa ra ý kiến cá nhân. Giáo viên cũng đã có những đánh giá khách quan nhất về sự hiểu và vận dụng bài của học sinh.
Sau tiết dạy, các thầy cô tham dự đã cùng nhau trao đổi, rút kinh nghiệm về nội dung và phương pháp giảng dạy của chuyên đề. Với tính thiết thực và hiệu quả cao, chuyên đề này được đánh giá là hoàn toàn phù hợp cho các lớp khối 6 trong toàn trường. Việc thường xuyên chia sẻ, thảo luận và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như vậy sẽ là hành trang quan trọng giúp các thầy cô giáo thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 trong năm học 2024-2025.