Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
“Không thầy đố mày làm nên” đó chính là lời răn dạy của cha ông ta từ bao đời nay, thầy cô đã chắp cánh cho những ước mơ của chúng ta bay cao, bay xa, cung cấp cho chúng ta hành trang kiến thức để bước tiến vào đời và trở thành một công dân tốt cho xã hội. Hòa chung với không khí vui tươi chào đón ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày mà cả nước tôn vinh các thế hệ thầy cô giáo, đem đến niềm vui và nguồn động viên cho mỗi chúng ta.Thư viện xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các bạn học sinh cuốn sách “Người gieo hy vọng” của nhóm những nhà văn tự do và Erin Gruwell nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2018 với 370 trang.
Các bạn thân mến!
M. Gorki đã từng nói: “Văn học là nhân học”, quả đúng như vậy! Mỗi tác phẩm văn học đều đem đến cho người đọc những câu chuyện triết lí về cuộc sống, về tình cảm gia đình, về tình thầy trò đầy ý nghĩa. Và “Người gieo hi vọng” của tác giả Erin Gruwell cũng là một cuốn sách như thế. Cuốn sách đã gợi nhớ trong mỗi độc giả về những kỉ niệm về tình thầy trò, những sẻ chia về kinh nghiệm cuộc sống, học tập, cùng những tâm tư, nguyện vọng và cả những giận hờn của thời học sinh mang đầy ý nghĩa và thực sự chạm đến trái tim mỗi người. Vì vậy, “Người gieo hi vọng” đã trở thành ấn phẩm bestseller và tạo ra phong trào giáo dục học đường có ảnh hưởng lớn ở Mỹ.
“Người gieo hi vọng” là cuốn sách tập hợp 150 câu chuyện do Erin Gruwell - một giáo viên cùng các học sinh (đã từng là “cá biệt”) của mình trong nhóm Những nhà văn Tự do (Freedom Writers) chắp bút. Cuốn sách là các câu chuyện chân thực từ cuộc sống của chính những giáo viên và học sinh của họ. Đó là những dòng chữ đau đớn, những sự thực phũ phàng về tệ phân biệt chủng tộc và sự chia cắt làm tan vỡ những trái tim, do nạn lạm dụng tình dục, nhưng xuyên suốt tác phẩm vẫn lấp lánh thông điệp tình yêu và niềm hi vọng của con người đã được vang lên.
“Người gieo hi vọng” như một ô cửa sổ hé mở cho độc giả thấy công việc giáo dục con người. Cuốn sách là lời tự kể của những người trong cuộc, những người giáo viên. Vậy những con người đó, họ là ai? Khi một người chồng bỏ một cô giáo để ra đi, cô ấy quay trở lại công việc ngay ngày hôm sau. Khi một học sinh khác bị bắn, người giáo viên vẫn tiếp tục quay trở lại công việc. Khi trường học bị đánh bom, người giáo viên phải làm học sinh của mình cảm thấy an toàn. Họ cũng chỉ là những con người rất bình thường, với những cung bậc cảm xúc rất chân thực, rất đời thường, thế nhưng họ vẫn phải trở lại để dạy học, để truyền niềm tin và hi vọng về tương lai vì học sinh của họ đang cần họ. Dù họ đang tuyệt vọng hay đang lạc quan thì họ vẫn phải luôn cố gắng để truyền niềm tin của bản thân và hi vọng về tương lai tươi sáng cho học sinh của mình. Không chỉ là những câu chuyện bình thường mà cuốn sách được viết từ những câu chuyện, những cảm xúc vô cùng chân thực. Trong đó không chỉ có những ánh sáng hi vọng như một câu chuyện cổ tích mà nó còn có cả những góc tối, những cảm xúc tiêu cực khiến cho cuốn sách trở nên rất đời, rất gần gũi với mỗi một độc giả. Đặc biệt hơn nữa, cuốn sách như một lời tự sự về chính cuộc đời của mỗi một người giáo viên trong nhóm Nhà văn Tự do và Eurin Gruwell.
Cuốn sách gồm 6 phần như 6 mảnh ghép của một bức tranh hoàn chỉnh. Mở đầu của bức tranh hi vọng đó là những thách thức mà học sinh của họ phải trải qua. Đó không đơn giản là những lời khuyên, những việc làm để khiến học sinh cảm thấy tốt hơn mà đó là những cảm giác thấu hiểu, cảm thông vì họ cũng từng trải qua. Những nỗi đau mà họ phải gánh chịu trong quá khứ giờ đây một lần nữa hiện hữu trước mặt họ, trong cuộc sống của những em học sinh. Họ có tất cả những phẩm chất quan trọng: kĩ năng tổ chức, xử lí nhiều việc một lúc, giải quyết vấn đề, luôn tìm ra những điểm tốt ở bất cứ người nào. Thế nên quyết định trở thành một giáo viên đến rất dễ dàng? Nhưng điều mà không ai biết là họ phải chịu quá tải bởi áp lực, phải chịu một khối lượng công việc quá sức và không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải xông vào trận đánh nhau kịch liệt nhất dù đang “mặc quần tất và đi giày cao gót”. Học sinh của họ không đơn giản là những cô cậu chỉ biết học hành và vâng lời mà các em mang theo đủ loại “hành trang”.
Về cuốn sách này, Erin Gruwell đã viết: “Tôi rất hi vọng cuốn sách này sẽ đến được với người giáo viên mà bạn yêu quý nhất, rằng mỗi cá nhân sẽ tìm thấy một phần cuộc đời mình qua những trang sách này. Tôi hi vọng bạn sẽ cảm thấy cảm thông và yêu kính các nhà giáo dục. Và tôi hi vọng những người đang làm thầy sẽ nhìn thấy mình trên gương mặt những đồng nghiệp dũng cảm đã chia sẻ những điều không yên ổn trong lớp học và những chiến thắng nhỏ nhoi họ dành được”. Chính vì vậy, “Người gieo hi vọng” không chỉ là lời tụng ca về một nghề cao quý mà thật sự các phương pháp sư phạm ở đây đã giúp cho những người làm Thầy thành công trong sự nghiệp trồng người. Mặt khác, nó còn giúp cho những người làm cha mẹ. Không hiểu con, không tôn trọng trẻ em thì không thể giáo dục và giúp đỡ các em. Lối giáo dục áp đặt ở các nhà trường và trong từng gia đình đã làm thui chột nhiều tiềm năng của trẻ. Do đó, cuốn sách Người gieo hi vọng nên được phát hành rộng rãi, không chỉ đến với các trường học, các thầy cô giáo mà phải đến tận tay các bậc cha mẹ.
Các em hãy tìm đọc để hiểu thêm tình cảm mà các thầy cô luôn dành cho các em như thế nào nhé. Qua đó các em hãy biết trân trọng hơn quãng đời học sinh quý giá và hành động sao cho xứng đáng với tấm lòng và sự kỳ vọng của các thầy cô nhé.
Cuốn sách hiện đang có mặt tại thư viện nhà trường. Rất mong được các em đón đọc. Cô xin chào và tạm biệt các con trong buổi giới thiệu sách lần sau.