1. Thế giới chung tay phòng chống ma túy:
Lo ngại về quy mô và xu hướng gia tăng các hoạt động sản xuất, buôn bán, tiêu thụ các chất ma túy và chất hướng thần đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và hạnh phúc của con người, những ảnh hưởng bất lợi đối với nền kinh tế, văn hóa, chính trị của xã hội, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã ban hành 3 công ước kiểm soát ma túy, đó là: Công ước Thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước Về các chất hướng thần năm 1971 và Công ước LHQ về chống buôn bán bất hợp pháp chất ma túy và chất hướng thần năm 1988. Năm 1997, đã thành lập Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) và hiện nay tổ chức này có đại diện ở nhiều khu vực trên thế giới.
Trước hiểm họa phức tạp của tệ nạn ma túy, năm 1998, tại Hoa Kỳ, LHQ tổ chức Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS). Tại phiên họp này, các nước đã thông qua Tuyên bố chính trị khẳng định nhận thức và cam kết tăng cường các hoạt động phòng, chống ma túy (PCMT) trên toàn cầu.
Kể từ đó, tuyên bố chính trị tại UNGASS 1998 cùng với 3 công ước quốc tế về kiểm soát ma túy trở thành nền tảng định hướng mục tiêu, nội dung và giải pháp cho công tác kiểm soát ma túy toàn cầu. Tuy nhiên, sau 20 năm kể từ UNGASS 1998, tình hình ma túy thế giới vẫn diễn biến phức tạp với nhiều xu hướng mới nổi. Bên cạnh đó, gần đây có một số nước, tổ chức phi chính phủ đang có khuynh hướng thay đổi chính sách kiểm soát ma túy vốn đã định hình sau UNGASS 1998.
2. Những quy định cơ bản của Việt Nam về phòng chống ma túy:
Phòng, chống ma túy là cuộc đấu tranh gian khổ và quyết liệt, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm và chỉ đạo sát sao, kiên quyết ngăn chặn hiểm họa khôn lường do ma túy gây ra. Ngày 30/11/1996, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 06/CT-TW yêu cầu “ Cấp ủy Đảng phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên.Từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sử dụng ma túy trong nhân dân. Cần có những biện pháp đặc biệt để chặn đứng việc thanh, thiếu niên nghiện, hút, hít và tiêm chích ma túy; quản lý nghiêm ngặt việc sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu các chất ma túy và dược phẩm có chứa chất ma túy . . .; trừng trị kịp thời và nghiêm khắc đối với những kẻ sản xuất, buôn bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng hoặc cưỡng ép sử dụng ma túy . . .” đồng thời văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng cũng xác định : “ Ngăn chặn và bài trừ các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm, . . . xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh . . . bảo đảm tốt trật tự an toàn xã hội “.
Ngoài ra Chính phủ đã ra nhiều Nghị quyết, Nghị định, bổ sung một số Chương mới với Bộ luật hình sự năm 1985 và được giữ nguyên trong Bộ luật hình sự năm 1999. Nhìn chung các văn bản pháp quy này đã góp phần tích cực, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đã trở thành cuộc đấu tranh của toàn dân, toàn xã hội đối với tệ nạn ma túy và đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, trong đó nhiều đường dây buôn lậu ma túy xuyên quốc gia đã bị bóc gở và đưa ra xét xử trước pháp luật với nhiều hình phạt nghiêm khắc nhất.
Tuy nhiên tình hình tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp, các tội phạm do người nghiện ma túy thực hiện ngày càng tăng nhất là những tội phạm rất nghiêm trọng như cướp của, giết người, hiếp dâm, bắt cóc trẻ em tống tiền. . .
Trước diễn biến phức tạp của tình hình tệ nạn ma túy ở trong nước cũng như trên Thế giới, trong quá trình xây dựng luật hình sự,nhất là về Chương các tội phạm về ma túy, Quốc hội nước ta đã nhiều lần bổ sung, sửa đổi để hoàn chỉnh hơn, phù hợp hơn với tình hình như Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự năm 1985 (lần thứ nhất) – Điều 96 a được bổ sung vào Chương “Các tội xâm phạm an ninh Quốc gia” là “ Tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy”. Đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá 9 (tháng 5/1997) Luật sửa đổi, bổ sung lần thứ 4 một số Điều của Bộ luật hình sự đã được thông qua. Trong đó Điều 96a đã được cụ thể hoá thành 14 Điều (từ Điều 185a đến Điều 185o tạo thành một Chương mới –Chương VIIa “Các tội về ma túy” và đến Bộ luật hình sự năm 1999 đã trở thành một Chương độc lập, có tên gọi chính thức và trực tiếp: Chương XVIII,nhưng từ 14 Điều đã còn lại 10 Điều với 10 tội danh (từ Điều 192 đến Điều 201),trong đó Bộ luật đã ghép 04 tội: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy thành một Điều là Điều 194 với tội danh “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiến đoạt chất ma túy”.
Nhìn chung qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng về cơ bản vẫn kế thừa các quy định cho tội này cả về chính sách xử lý đến các yếu tố cấu thành tội phạm nhưng đã từng bước được định hình những chế định chặt chẽ hơn.
Đồng thời để có một văn bản quy phạm có tính hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh tập trung, thống nhất những vấn đề cơ bản về phòng, chống ma túy là rất cần thiết, nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội vào cuộc đấu tranh này, đặc biệt là trong bối cảnh Nhà nước ta đã tham gia các Công ước của Liên hiệp quốc về phòng, chống ma túy thì việc có đạo luật do Quốc hội thông qua điều chỉnh những vấn đế về công tác phòng, chống ma túy lại càng cấp thiết hơn. Vì vậy, ngày 09/12/2000, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy với 8 Chương, 56 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2001.
Đến kỳ họp thứ 10, ngày 27/11/2015, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Bộ Luật hình sự (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013.Đặc biệt là tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức,góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nếu như Điều 194 của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định loại tội phạm về ma túy được hình thành trên cơ sở ghép 4 tội của Bộ luật hình sự 1985: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, Tội mua bán trái phép chất ma túy và Tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy và có cùng một chính sách xử lý như nhau là vì: Thực tế của cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này là rất khó mà phân biệt được trường hợp nào chỉ phạm tội tàng trữ,vận chuyển hoặc là mua bán trái phép chất ma túy. Nếu chúng ta đề ra hình phạt xử lý hành vi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy nặng hơn hành vi phạm tội vận chuyển hoặc tàng trữ trái phép chất ma túy thì chắc chắn kẻ phạm tội sẽ không khi nào chịu nhận là mình phạm tội mua bán trái phép chất ma túy cả mà sẽ nhận là vận chuyển thuê hoặc cất hộ người khác, để nếu có xử thì hình phạt áp dụng sẽ nhẹ hơn tội mua bán trái phép chất ma túy.
Xét về hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm thì hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy và hành vi chiếm đoạt chất ma túy không nguy hiểm bằng hành vi mua bán trái phép chất ma túy, nhưng Điều 194 lại quy định về định lượng, mức hình phạt như nhau nên thực tiễn gặp không ít khó khăn trong việc xác định tội danh và hình phạt.
Vì vậy, để định tội danh và áp dụng mức hình phạt một cách công bằng phù hợp giữa hành vi tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoặc chiếm đoạt chất ma túy, Bộ Luật hình sự năm 2015 đã tách Điều 194 Bộ Luật hình sự năm 1999 thành 04 tội danh riêng biệt quy định tại các điều: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy(Điều 249); Tội vận chuyển tráo phép chất ma túy (Điều 250); Tội mua bán tráo phép chất ma túy (Điều 251); Tội chiến đoạt chất ma túy (Điều 252). Nâng tổng số điều luật trong Chương XX Bộ Luật hình sự năm 2015 lên 13 Điều (từ Điều 247 đến Điều 259) và quy định rõ ràng, cụ thể về định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự trong từng tội phạm và quy định khu hình phạt nhẹ hơn so với Bộ Luật hình sự 1999 (bỏ hình phạt tử hình đối với “Tội tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tội chiếm đoạt chất ma túy”
Luật Phòng chống ma túy năm 2000 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 09 tháng 10 năm 2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2001. Đến ngày 03 tháng 6 năm 2008 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000. Sau đây là một số nội dung của Luật Phòng chống ma túy.
Điều 3: Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Trồng cây có chứa chất ma tuý;
2. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh,nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện,thuốc hướng thần;
3. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
4. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma tuý;
5. Hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội về ma tuý mà có;
6. Chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma tuý;
7. Trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma tuý;
8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý;
9. Các hành vi trái phép khác về ma tuý.
Điều 6
Cá nhân, gia đình có trách nhiệm:
1. Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý;
2. Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh;
3. Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma tuý của thân nhân và của người khác;
4. Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.
Điều 7
Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma tuý cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết kịp thời những thông tin, tố giác về tệ nạn ma tuý.
Điều 14
1. Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia các hoạt động phòng, chống ma tuý được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật.
2. Trường hợp cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức do tham gia phòng, chống ma tuý mà bị thiệt hại về tài sản thì được Nhà nước đền bù; trường hợp cá nhân bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
3. Cơ quan công an, hải quan, bộ đội biên phòng,cảnh sát biển, viện kiểm sát, toà án và chính quyền các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 25
Nhà nước có chính sách khuyến khích việc tự nguyện cai nghiện ma tuý; áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma tuý; tổ chức các cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc và khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các hình thức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ các hoạt động cai nghiện ma tuý.
Điều 26
1. Người nghiện ma tuý có trách nhiệm:
a) Tự khai báo về tình trạng nghiện ma tuý của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc chính quyền cơ sở nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện;
b) Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cai nghiện ma túy.
2. Gia đình có người nghiện ma tuý có trách nhiệm:
a) Báo cho chính quyền cơ sở về người nghiện ma tuý trong gia đình mình và tình trạng nghiện của người đó;
b) Giúp người nghiện ma tuý cai nghiện tại gia đình theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và chính quyền cơ sở;
c) Theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội;
d) Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật.
Ma túy và phòng, chống tội phạm ma túy là một vấn đề có tính quốc tế và tính xã hội rất sâu sắc. Đó là một cuộc đấu tranh vừa nóng bỏng, cấp bách, vừa phải bền bỉ lâu dài. Do đó, cuộc đấu tranh này phải được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục và tất chặt chẽ. Phòng, chống ma túy có hiệu quả, là góp phần làm cho xã hội lành mạnh, ổn định và phát triển bền vững, bảo đảm cho sự trường tồn của dân tộc, của quốc gia.
Với ý nghĩa đó, mỗi người phải xác định nhiệm vụ tham gia phòng chống không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà là lương tâm và trách nhiệm chung của mỗi người, của toàn xã hội.
Luật đã định và mỗi một chúng ta phải nắm vững để thực hiện đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước “phòng ngừa là chính, kết hợp các hoạt động giảm cung với giảm cầu ma túy, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, toàn xã hội, đẩy mạnh phòng, chống ma túy trong tình hình mới” đạt hiệu quả cao hơn, trong đó từng người phải kiên quyết nói “KHÔNG” với ma tuý, thường xuyên quan tâm theo dõi, giáo dục con em mình với phương châm 4 quản: quản lý về giờ giấc; quản lý về tiền bạc; quản lý về sự học hành và quản lý về mối quan hệ giao du với bạn bè, đồng thời tích cực tìm hiểu để chia xẻ những khó khăn vướng mắc xảy ra trong gia đình, làm cho gia đình luôn là một mái ấm hạnh phúc.