Vào những thập kỷ 50, 60 của thế kỷ XX, giữa lúc đất nước đang có chiến tranh và bị chia cắt làm hai miền, vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc vừa tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam để thống nhất đất nước. Với sự quyết tâm và nỗ lực của cả dân tộc, chúng ta đã dành được những thành tựu lớn trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa, xã hội vào những năm 1955 - 1957. Tuy nhiên, từ năm 1958 trở đi thu nhập quốc dân giảm, trong khi sản lượng lương thực giảm lại thì tốc độ tăng dân số lại tăng vọt từ 1,1% (1954) lên 3,93% (1960). Lúc này chính sách sinh đẻ có kế hoạch chưa được áp dụng ở nước ta.
Trong bối cảnh nói trên, ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ra quyết định số 216/CP, về việc sinh đẻ có hướng dẫn, xuất phát từ thực tế về sự gia tăng dân số quá nhanh, gây cản trở đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một văn bản đánh dấu sự ra đời của công tác Dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được triển khai thực hiện ở nước ta. Ngày 26/12/1961 là ngày ban hành một quyết định mang tính chất hết sức quan trọng, đánh dấu cho những bước đi đầu tiên của công tác dân số và hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ trong cả nước. Quyết định 216-CP là quyết định mang tính nhân văn hết sức sâu sắc. Quyết định nêu rõ mục tiêu của việc hướng dẫn sinh đẻ là vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận gia đình, để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp. Các giải pháp, bước đi thích hợp nhằm thực hiện mục tiêu trên là huy động các Bộ, Ngành, Đoàn thể phối hợp, có sự phân công thống nhất trong hành động thực tiễn nhằm xã hội hóa công tác hướng dẫn sinh đẻ và việc chú trọng vận động tuyên truyền của các đoàn thể quần chúng kết hợp với cung cấp dịch vụ thực hiện sinh đẻ có hướng dẫn một cách dễ dàng, thuận lợi. Bước đầu là tổ chức thực hiện việc hướng dẫn sinh đẻ trong cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, sau đó sẽ rút kinh nghiệm và dần dần mở rộng trong nhân dân.
Từ văn bản đầu tiên là Quyết định 216-CP, ngày 26/12/1961, sau này các văn bản mang tính toàn diện hơn được ban hành kịp thời giúp cho việc triển khai thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt hiệu quả cao như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 14/01/1993, rồi đến Chiến lược Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đến năm 2000. Sau đó là Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010 ban hành ngày 22/12/2000, Pháp lệnh Dân số năm 2003, Nghị quyết 47/NQ-TW, ngày 22/3/2005 của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; Pháp lệnh 08 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số… Đây là hành lang pháp lý đảm bảo cho việc triển khai thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt hiệu quả.
Đã 52 năm, kể từ ngày ban hành văn bản đầu tiên về công tác dân số và kỷ niệm 16 năm Ngày Dân số Việt Nam 26/12, năm 2013 chúng ta tiến hành tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam với chủ đề: “Già hóa dân số-Những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi”. Già hóa dân số là vấn đề mang tính toàn cầu ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia. Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh hơn các nước trên thế giới. Tăng tuổi thọ là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của loài người. Tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng được nâng cao, hiện nay là 73 tuổi. Đây là quá trình tất yếu của phát triển kinh tế-xã hội, là thành tựu của công tác DS-KHHGĐ. Để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, đảm báo chất lượng chăm sóc người cao tuổi cần nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và chuẩn bị về tiềm lực kinh tế và an sinh xã hội. Cần phát huy kinh nghiệm và tri thức của người cao tuổi, đề cao vai trò của người cao tuổi trong đời sống xã hội, hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng. Phát huy vài trò và chăm sóc người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Hưởng ứng các hoạt động nhân Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12 là dịp để chúng ta tăng cường cam kết của các cấp ủy, chính quyền; tăng cường phối hợp các ban ngành, đoàn thể và huy động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện tốt hơn chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ từ năm 1961 đến nay, đó là: ổn định quy mô dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư hợp lý và từng bước nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống./.