Nhân kỷ niệm ngày truyền thống học sinh- sinh viên là dịp nhìn lại hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay.
Ngày 9/1 được chọn làm ngày truyền thống học sinh - sinh viên.
Sau cách mạng Tháng Tám, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Với khẩu hiệu: “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” đã tiếp thêm sinh lực mới cho phong trào học sinh, sinh viên. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương.
Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục. Các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.
Ngày 9/1/1950, Đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn-Gia Định - Chợ Lớn đã tổ chức vận động trên 10.000 người. Trong đó có hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường tại Sài Gòn như Pétrus Ký, Gia Long, Huỳnh Khương Ninh, trường Đại học Y Dược, Pháp Lý, các trường chuyên nghiệp vô tuyến điện, công chính, kỹ thuật, khoa học,… cùng nhiều giáo viên biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt – trong đó có Ban lãnh đạo học sinh cứu quốc Sài Gòn.
Đoàn biểu tình kéo đến Nha học chính và Dinh Thủ hiến đưa yêu sách. Bọn cảnh sát và lính lê dương đã ra đàn áp dã man đoàn người biểu tình. Thái độ đó đã làm đám đông phẫn nộ, bùng lên cuộc xung đột. Những người biểu tình dùng mọi thứ vũ khí có trong tay chống trả quyết liệt với lính Pháp, lính Âu Phi và công an Bình Xuyên.
Trần Văn Ơn - người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên, sau khi đã dũng cảm hứng chịu những xô đẩy và dùi cui để che chở cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, anh đã bị trúng đạn. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 9/1/1950 khi chưa tròn 19 tuổi. Thi thể anh Trần Văn Ơn được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy, được lực lượng học sinh cùng các y, bác sĩ, công nhân ở bệnh viện túc trực bảo vệ không cho bọn địch phi tang.
Tin Trần Văn Ơn mất đã ngay lập tức gây náo động trong giới học sinh sinh viên Sài Gòn, trở thành tâm điểm và đưa lên đồng loạt trên các tờ báo lớn của Sài Gòn. Tại Sài Gòn, ngày 12/1/1950, đám tang anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh. Trước linh cữu anh là hương án có 2 câu viết bằng máu của học sinh:
“Chết vì Tổ quốc, chết mà vẫn sống,
Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”.
Học sinh sinh viên biểu tình ngày 9/1/1950
Không những tại Sài Gòn, lễ tang anh Trần Văn Ơn cũng đã được cử hành trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hàng triệu lượt học sinh, sinh viên và đồng bào các giới đã đeo băng tang truy điệu với lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ ý chí căm thù, quyết chí đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Trong số đó, điếu văn của đại biểu các học sinh, sinh viên có đoạn: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9/1 - ngày mà anh Trần Văn Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã sẵn sàng đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần Trần Văn Ơn bất diệt! ”.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm là Ngày Truyền thống học sinh - sinh viên. Truyền thống vẻ vang đó đã được các thế hệ học sinh, sinh viên kế thừa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành bất diệt.
Trong giai đoạn 1955-1975, học sinh, sinh viên và Hội liên hiệp Sinh viên Việt Nam tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Hàng vạn sinh viên viên từ các trường đại học đã tình nguyện nộp đơn xin nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh anh dũng, đó là những tấm gương như: Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm,…
Tại miền Nam, Tổng Hội Sinh viên Miền Nam và các tổ chức khác của học sinh, sinh viên đã lãnh đạo, chỉ đạo phong trào học sinh, sinh viên Miền Nam biểu tình chống bắt lính, chống sự can thiệp của Mỹ, đòi quyền tự do, dân chủ, khơi dậy lòng yêu nước, thúc dục thanh niên đứng lên đấu tranh chống xâm lược, tiêu biểu là những tấm gương như: Nguyễn Thái Bình, Quách Thị Trang,…
Sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề, những năm từ 1975 - 1993, Hội sinh viên Việt Nam một mặt củng cố xây dựng tổ chức Hội sinh viên vững mạnh, thành lập hội sinh viên tại các tỉnh, thành phối, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, thu hút đông đảo sinh viên tham gia tổ chức Hội Sinh viên; mặt khác cùng sinh viên cả nước đẩy mạnh các phong trào học tập, rèn luyện và góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới đất nước.
Sau đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V, tháng 2/1994, Hội Sinh viên Việt Nam được công nhận là tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên Việt Nam.
Phong trào sinh viên và tổ chức hoạt động Hội đã có bước phát triển mới, Hội Sinh viên Việt Nam với các phong trào, chương trình có ý nghĩa như: “học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”, “chăm lo đời sống, quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên”, “Hoạt động văn hóa thể thao và công tác xã hội”,…Đặc biệt, các hoạt động xã hội được hầu hết các trường đại học, cao đẳng tích cự tham gia như: “đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ánh sáng văn hóa hè”, “Mùa hè xanh”, “hiến máu nhân đạo”,… và cao điểm là “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè” (được phát động trên cả nước từ năm 2000) đã thu hút hàng triệu lượt thanh niên hăng hái tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đồng thời xây dựng hình ảnh đẹp của người sinh viên Việt Nam.
Trải qua lịch sử hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh được Đảng và Nhà nước dày công bồi dưỡng.