Điển hình của truyền thống “Trọng lão” trong lịch sử dân tộc là cuộc tập hợp các cụ phụ lão tại Điện Diên Hồng do Nhà Trần tổ chức năm 1284 để hỏi ý kiến các cụ nên “đánh” hay “hòa” khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 2; tầng lớp phụ lão trong cả nước, tiêu biểu cho ý chí của nhân dân đã khẳng định quyết tâm chiến đấu, giúp triều đình Nhà Trần vững vàng lãnh đạo, tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược, giành thắng lợi.
Bác Hồ thăm hỏi người cao tuổi
Sự kiện lịch sử “Hội nghị Diên Hồng” được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng, Người chỉ rõ vị trí, vai trò to lớn của lớp người cao tuổi đối với nhiệm vụ cách mạng.
Ngay trong những ngày đầu về nước, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, ngày 06/6/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào” nhằm tập hợp lực lượng toàn dân thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Trong lời kêu gọi này, Người ra Lời hiệu triệu “Đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”. Người chỉ rõ: “Trách nhiệm của các vị phụ lão và nhiệm vụ của đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì… Phụ lão hô, Nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, Nhân dân làm theo”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Phụ lão cứu quốc Hội” đã được ra đời ở các địa phương để cùng toàn dân tham gia kháng chiến cứu quốc, trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược giành thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng thành công, người cao tuổi Việt Nam lại có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Từ nguyện vọng tha thiết của lớp người cao tuổi trong cả nước, cùng với sự quan tâm và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với những cống hiến to lớn của lớp người cao tuổi Việt Nam, ngày 26/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 772/QĐ-TTg lấy ngày 06/6 hằng năm là Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam có dấu mốc lịch sử khởi đầu là ngày Bác Hồ ra “Lời hiệu triệu đoàn kết các bậc phụ lão”. Nội dung cốt lõi của “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam” là dịp để lớp người cao tuổi ôn lại và khắc sâu niềm tự hào về những đóng góp của mình đối với đất nước, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, từ đó phát huy vai trò của người cao tuổi trong giai đoạn mới của đất nước, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng đã trao tặng cho lớp người cao tuổi hiện nay: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Để khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam, đồng thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội, ngày 23/11/2009, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XII) đã ban hành Luật Người cao tuổi, có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Trong đó, Điều 06 của Luật ghi rõ: “Ngày 06 tháng 6 hàng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam”. Như vậy từ năm 2010, ngày 06/6 hằng năm là Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam đồng thời cũng là Ngày người cao tuổi Việt Nam. Và đặc biệt hơn, khoản 03 Điều 37 Hiến pháp 2013 đã khẳng định vị trí, vai trò của người cao tuổi: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Kỷ niệm 81 năm Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam, chúng ta ghi nhận, trân trọng công lao đóng góp to lớn của người cao tuổi Việt Nam. Đồng thời nâng cao nhận thức trong toàn dân về tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; tạo sự đồng thuận trong xã hội về vị trí, vai trò người cao tuổi, Hội Người cao tuổi đối với đời sống xã hội. Từ đó, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng và khích lệ người cao tuổi tiếp tục nỗ lực, phát huy tinh thần “Tuổi cao chí càng cao” trong các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp có hiệu quả hơn cho cộng đồng cùng sự phát triển của xã hội và mãi mãi là niềm tự hào của mỗi gia đình, là chỗ dựa vững chắc của xã hội, là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ học tập, noi theo./.