1. Những chặng đường lịch sử vẻ vang của CAND Việt nam qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1945- 2020)
Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các công cụ bạo lực của cách mạng để trấn áp tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), “Đội Tự vệ đỏ” được thành lập để hỗ trợ và bảo vệ quần chúng nổi dậy đấu tranh, bảo vệ cán bộ, bảo vệ các phiên tòa của Xô Viết - Công Nông xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn trật tự trị an ở những nơi có chính quyền Xô Viết. Khi cuộc vận động Mặt trận Dân chủ Đông Dương phát triển thành cao trào cách mạng rộng lớn, Đảng chỉ thị: “Mỗi ấp phải tổ chức ra Đội Tự vệ để ngăn cản những kẻ phá rối cuộc đấu tranh và đối phó với các lực lượng phản động”. Lần lượt “Ban Công tác đội”, “Đội danh dự trừ gian” được thành lập. Ngày 04/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập khu giải phóng; đồng thời, công bố 10 chính sách lớn của Việt Minh. Ngay sau đó, các tổ chức “Đội trinh sát”, “Đội hộ lương diệt ác” lần lượt ra đời cùng với “Đội tự vệ đỏ”, “Ban Công tác đội” và “Đội danh dự trừ gian” làm nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của phát xít Nhật, trừ khử bọn Việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đây chính là các tổ chức tiền thân của CAND Việt Nam.
Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội và thiết lập chính quyền cách mạng ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của CAND đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 19/8/1945 được xác định là Ngày truyền thống CAND Việt Nam. Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật CAND, trong đó quy định: “Ngày 19/8 hàng năm là Ngày truyền thống của CAND và là Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (Điều 11, Chương I, Luật CAND).
Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên chính quyền cách mạng non trẻ vừa được thành lập đã phải đương đầu với những thử thách cực kỳ nghiêm trọng, vận mệnh của dân tộc như “Ngàn cân treo sợi tóc”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an đã làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và đã lập nên nhiều chiến công vang dội, như: Vụ án phản cách mạng ở Số 7, phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), Hà Nội; phối hợp bắt trên 100 tên phản động, đập tan âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền cách mạng của thực dân Pháp và bọn phản động.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng CAND đã cùng với quân và dân cả nước nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đã lập nhiều thắng lợi quan trọng như: Đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa (ngày 27/9/1950) diệt hơn 200 sỹ quan, thuỷ thủ và binh lính Pháp; bảo vệ chuyến tàu chở các chiến sĩ cách mạng (Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng) từ Côn Đảo trở về lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ... Trên khắp các chiến trường, nhất là trong các chiến dịch lớn, như chiến dịch: Việt Bắc - Thu Đông (1947), Biên Giới (1950), Điện Biên Phủ (1954), lực lượng Công an luôn phối hợp, hợp đồng tác chiến tốt với các lực lượng vũ trang khác, đấu tranh góp phần vào thắng lợi của các chiến dịch lớn.
Cùng với quá trình chiến đấu, công tác XDLL CAND luôn được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển lớn mạnh không ngừng. Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23 thành lập Việt Nam Công an vụ. Lần lượt “Quận Công an trong phạm vi các tỉnh”, “Công an các Khu”, “Ban Công an xã”, “Công an huyện” được thiết lập, thành lập và Chỉ thị quy định nhiệm vụ, tổ chức Nha Công an Việt Nam cũng được ra đời trong thời kỳ này. Tháng 8/1953, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của CAND Việt Nam. Đặc biệt, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho đồng chí Giám đốc Công an Khu XII, trong thư Người đã dạy CBCS Công an phải rèn luyện Tư cách người Công an Cách mệnh.
Trải qua 9 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng Công an luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công thầm lặng nhưng vô cùng oanh liệt. Nhiều CBCS Công an nêu cao khí phách kiên cường, dũng cảm, lập công xuất sắc, tiêu biểu như các đồng chí: Bùi Thị Cúc (Công an Hưng Yên), Nguyễn Xuân Thưởng (Công an Thừa Thiên - Huế), Võ Thị Sáu (Công an huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Cách mạng Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ráo riết thực hiện âm mưu, thủ đoạn, hoạt động hòng gây chia rẽ, bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng, chống phá công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc. Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã nhanh chóng chuyển hướng về tổ chức và hành động, tiến hành đấu tranh dập tắt các vụ nhen nhóm phản động và hoạt động gây bạo loạn của bọn phản cách mạng. Đấu tranh đập tan âm mưu gây bạo loạn, cướp chính quyền, tiêu diệt nhiều toán gián điệp, biệt kích của Mỹ và bè lũ tay sai tung ra phá hoại miền Bắc. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình văn hoá - xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân; đấu tranh trấn áp, bắt giữ, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm… góp phần giữ vững trật tự trị an, bảo vệ miền Bắc XHCN.
Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, lực lượng Công an miền Bắc đã tuyển chọn, huấn luyện, đưa hàng vạn CBCS Công an cùng hàng trăm tấn vũ khí, tài liệu, phương tiện thông tin liên lạc chi viện cho An ninh miền Nam… cùng với lực lượng An ninh miền Nam và các lực lượng vũ trang trên khắp các chiến trường góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lần lượt đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Công tác XDLL CAND trong thời kỳ này luôn được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển. Ban bảo vệ An ninh Trung ương Cục; Ban bảo vệ An ninh Khu, Nha An ninh (thuộc Bộ Nội vụ) lần lượt được thành lập. Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34 công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSND và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan CSND. Những thành tích, chiến công của lực lượng CAND trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã ghi tiếp vào truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND những trang sử vàng oanh liệt; hàng trăm tập thể, cá nhân CBCS Công an được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.
Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, đất nước ta hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên xây dựng CNXH. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là phải nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND đã tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng, tổ chức quản lý, cải tạo số ngụy quân, ngụy quyền, nhân viên của chế độ cũ, truy quét tàn quân địch. Đã đấu tranh làm tan rã các tổ chức phản động như: FULRO, “Mặt trận Quốc gia giải phóng Việt Nam”… Trên mặt trận đấu tranh PCTP, tập trung đấu tranh, điều tra khám phá nhiều vụ án lớn. Điển hình: Vụ Dương Văn Khánh, vụ Trương Văn Cam, vụ Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường, vụ Nguyễn Văn Hải, vụ án Minh Phụng, Lã Thị Kim Oanh... góp phần tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế.
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, lực lượng CAND đã có bước phát triển mạnh mẽ, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt và đạt được những thành tựu quan trọng. Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ CAND đã xây đắp nên những truyền thống vẻ vang, đó là: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Nhà nước CHXHCN Việt Nam và nhân dân Việt Nam; luôn chiến đấu anh dũng không ngại hy sinh vì nền độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vì ANTQ; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; nội bộ đoàn kết, thống nhất, dân chủ; kỷ luật nghiêm minh... Với những đóng góp to lớn và thành tích đạt được, lực lượng CAND được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 13 lượt tập thể, 03 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, 90 lượt tập thể, 10 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 714 lượt tập thể, 408 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 01 tập thể và 01 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; Hàng ngàn tập thể và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Lao động. Hàng vạn tập thể và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Huy chương các loại và Bằng khen của Chính phủ. Hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được các cấp, bộ, ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý khác.
2. Ngày 19/8 hàng năm – Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ An ninh Tổ quốc trong thời kỳ toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chủ trương của Ban Bí thư TW Đảng. Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521, lấy ngày 19/8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Sau 15 năm triển khai thực hiện Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ đã đạt được những thành tự to lớn đó là: Cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ, tạo chuyển biến mới đối với công tác ANTT.