Lịch sử ra đời ngày Hội Quốc phòng toàn dân
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Cũng từ đó, ngày 22/12 trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại, là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.
Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều 25/12/1944) và sáng hôm sau (7 giờ ngày 26/12/1944) đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Hai trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn phát triển và trưởng thành. Ngày 22/12/1944 được xác định là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Quân với dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”. Chân lý quân với dân như cá với nước đã hình thành từ trong thời chiến lẫn thời bình, tạo thành một nét văn hóa sâu đậm của dân tộc Việt Nam. Nhận thức sâu sắc vai trò của quần chúng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là “Ngày hội Quốc phòng toàn dân”.
Ngày 22/12/1989 - Ngày hội Quốc phòng toàn dân lần đầu tiên được tổ chức ở tất cả các địa phương trong cả nước và từ đó đến nay, ngày này hằng năm trở thành ngày hội lớn, ngày hội quy tụ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của toàn dân tộc.
Ý nghĩa của sự ra đời Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Việc lấy ngày 22/12 hằng năm làm “Ngày hội Quốc phòng toàn dân” là quyết định đúng đắn, sáng tạo, thể hiện ý Đảng hòa quyện với lòng dân - chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, khẳng định quan điểm toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó, Quân đội nhân dân (QĐND) làm nòng cốt.
Từ đó đến nay, ngày 22/12 đã thật sự trở thành Ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giáo dục lòng yêu nước, cổ vũ, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trên từng địa phương, tiếp tục xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam hùng mạnh trong tình hình mới.
Hơn 33 năm qua, toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta đã có rất nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo để kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam - Ngày hội Quốc phòng toàn dân như: mít-tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân dân, giáo dục truyền thống, tổ chức gặp mặt, thăm hỏi động viên các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; thăm các đơn vị quân đội; biểu diễn văn nghệ, đại hội thanh niên, thi đấu thể thao, hội thao quân sự... Có những biện pháp tổ chức chặt chẽ, phù hợp, hướng trọng tâm vào đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; tăng cường xây dựng, phát triển tiềm lực quốc phòng - an ninh qua các chương trình, các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thông qua Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tinh thần cảnh giác của các tầng lớp nhân dân trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta được nâng lên rõ rệt; thanh niên hăng hái tham gia nhập ngũ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Vì thế, hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta càng phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá cách mạng và công cuộc xây dựng tổ quốc Việt Nam. Và chính điều đó càng làm Ngày hội Quốc phòng toàn dân trở nên ý nghĩa và có tầm quan trọng đối với mỗi người. Đó là ngày nhắc nhở trách nhiệm mỗi chúng ta phải tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, theo lời căn dặn của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”./.