Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen sinh ngày 28/11/1820 ở thành phố Ba-rơ-men tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức), trong một gia đình chủ xưởng dệt. Ông là nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học nổi tiếng người Đức thế kỷ XIX, người cùng với C.Mác sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản. Với bộ óc thiên tài, trái tim nhân hậu và đức tính khiêm nhường, Ph.Ăng-ghen đã dâng hiến cho nhân loại nhiều tư tưởng, lý luận có giá trị lịch sử to lớn và có ý nghĩa soi sáng con đường xây dựng xã hội mới tiến bộ hơn - xã hội xã hội chủ nghĩa cho các dân tộc trên thế giới, cụ thể:
Thứ nhất, Ph.Ăng-ghen đã cùng với C.Mác xây dựng, tạo lập nền tảng tư tưởng và hoàn thiện lý luận cho học thuyết cách mạng. Ph.Ăng-ghen đã cùng sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử; phát hiện ra tính quy luật của sự phát triển xã hội và tính tất yếu của sự chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn; cung cấp cho loài người một cách nhìn mới mẻ, một vũ khí sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới; trang bị cho giai cấp vô sản và Nhân dân tiến bộ trên thế giới một thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng để nhận thức sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và con người.
Thứ hai, cống hiến của Ph.Ăng-ghen trong học thuyết giá trị thặng dư - phát hiện vĩ đại thứ hai của học thuyết Mác. Ph.Ăng-ghen đã vạch rõ quá trình phát sinh, phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nêu lên những mặt tiến bộ và vạch rõ những khuyết tật, mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản; từ đó đã chỉ ra rằng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ bị thay thế bởi phương thức sản xuất mới, cao hơn, tiến bộ hơn, đó là phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Trên cơ sở đó dựa vào sự phát triển của xã hội tương lai, chỉ ra lực lượng xã hội có khả năng trở thành người sáng tạo xã hội mới là giai cấp công nhân do đảng cộng sản lãnh đạo. Giai cấp công nhân phải tiến hành một cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ để lật đổ chủ nghĩa tư bản. Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội mác-xít là chủ nghĩa xã hội khoa học, khác hẳn chủ nghĩa xã hội không tưởng ở Pháp trước đó. Với việc tìm ra quy luật giá trị thặng dư, những phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa, từ đó luận chứng một cách có căn cứ khoa học về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa cộng sản.
Thứ ba, cống hiến đặc sắc của Ph.Ăng-ghen trong việc phát hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân - phát hiện vĩ đại thứ ba của học thuyết Mác. Từ bỏ vị trí xuất thân của mình, Ph.Ăng-ghen đã lăn lộn, gắn bó với phong trào công nhân, với tấm lòng trung thành vô hạn và lập trường kiên định, với trí tuệ thiên tài và sự mẫn cảm về chính trị, Ph.Ăng-ghen đã quan sát, cảm nhận trực tiếp nhu cầu bức thiết của một giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất trong xã hội tư bản và phát hiện ra lực lượng xã hội có vai trò chủ đạo trong cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản - đó là giai cấp công nhân. Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen không chỉ phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, theo V.I.Lênin đó là "điểm trọng yếu trong học thuyết Mác" mà còn góp phần vạch ra vai trò của đội tiền phong (chính đảng) của giai cấp công nhân. Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen luôn luôn gắn lý luận và thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân vừa với tư cách nhà bác học, vừa với tư cách người thầy của giai cấp công nhân thế giới.
Thứ tư, Ph.Ăng-ghen bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác luôn có giá trị khoa học và cách mạng. Ph.Ăng-ghen không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi người phải dập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu thực tiễn, tổng kết thực tiễn. Ông kiên quyết bác bỏ những mưu toan giáo điều của học thuyết Mác, biến học thuyết đó thành một mớ những công thức bất biến; đồng thời đấu tranh với bất cứ người nào coi thường sự tiến bộ của khoa học, coi thường những điều kiện và những nhu cầu xã hội mới nảy sinh.
Là một nhà tư tưởng quân sự thiên tài, Ph.Ăng-ghen còn là người có công đặt nền móng xây dựng và phát triển học thuyết mácxít về quân đội, về chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng. Những đóng góp của Ph.Ăng-ghen trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật quân sự đã góp phần làm phong phú, sâu sắc hơn di sản lý luận của chủ nghĩa Mác trong kho tàng tri thức, văn hóa nhân loại, một mẫu mực về sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử vào nhận thức, giải thích một lĩnh vực đặc biệt phức tạp là chiến tranh và hòa bình, quân sự và quốc phòng, khởi nghĩa vũ trang và đấu tranh cách mạng, xây dựng quân đội cách mạng và bảo vệ Tổ quốc.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Ph.Ăng-ghen, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Kỷ niệm 201 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28/11/1820 - 28/11/2021), trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng Kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, chúng ta càng hiểu rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn, cống hiến vĩ đại của ông đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Trong bối cảnh khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão, cùng với những hậu quả nặng nề từ thiên tai, dịch bệnh Covid-19, cho thấy giá trị những tiên đoán, nhận định của C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin là rất chính xác. Thành tựu của Việt Nam và các quốc gia dựa trên Chủ nghĩa Mác trong công cuộc bảo vệ công dân, phát triển đất nước trong phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Với thế hệ hôm nay cần nhận thức đầy đủ, vận dụng và phát triển tư tưởng của Ph.Ăng-ghen vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.