“Mỗi khi tháng bảy ùa về”
Tôi tiếp nhận thông tin của cựu chiến binh Lê Bá Dương trong một niềm xúc động khi biết, người thanh niên đầy lý tưởng ấy đã sửa lý lịch tăng thêm tuổi để được nhập ngũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ khi mới 15 tuổi, ông đã chiến đấu và lập công tại các địa bàn mặt trận Đường 9 Quảng Trị; 19 tuổi, ông đã trên cương vị chỉ huy cấp đại đội chiến dịch giải phóng và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Trong những năm tháng này, ông đã đạt được nhiều danh hiệu, như: “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng sĩ diệt máy bay”… Những chiến công ấy vang xa, lan xa, là nguồn cổ vũ, khích lệ, động viên cho toàn quân, đặc biệt trên mặt trận B5 (Đường 9, Quảng Trị) ác liệt hồi ấy còn dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương”.
Đã có lần ông chia sẻ với tôi: “Chiến trường là nơi đẹp nhất của tuổi trẻ, là nơi tôi được thể hiện khát khao cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà”. Và tôi hiểu với ông, Quảng Trị đã trở thành một phần máu thịt, là quê hương thứ hai của mình để giờ đây mỗi lần về thăm nơi này, ông không khỏi nghẹn ngào, xót xa. Để trả ơn nghĩa đồng đội, ông đã khởi xướng lên tập quán thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn để tưởng niệm vong linh đồng đội, những người đã ngã xuống trên mảnh đất đạn bom này. Điều đặc biệt, tập quán ấy đã được người dân hưởng ứng nối tiếp, nâng lên thành phong tục tâm linh không chỉ cho các ngày lễ 27-7, 30-4… mà còn thường xuyên vào những đêm mồng một, ngày rằm. Ngoài ra, ông cùng nhiều đồng đội còn sống đã và đang lặng lẽ, cặm cụi tìm kiếm hài cốt, thông tin liệt sĩ như một cách trả nợ đồng đội - một món nợ không vay, nhưng nguyện trả đến hết đời.
Trò chuyện cùng ông khi ngày 27-7 đến gần, ông bảo người lính từng bao nhiêu lần nuốt nước mắt, “đưa” di hài đồng đội vào lòng đất, ngay sau khi kết thúc chiến tranh, ông trở về với tâm trạng day dứt khi ngoảnh lại một thời: “Ăn trong đạn, ngủ trong bom/ Những khi cởi áo thay hòm chôn nhau” mà xót xa, một sự xót xa thành hội chứng nhớ! nhớ đến thắt lòng những đồng đội đã nằm lại, chưa, và không trở về. Cái day dứt ấy gần như ngày nào, đêm nào cũng vậy. Đặc biệt những mùa tháng bảy, gần như đêm nào cũng chập chờn những gương mặt những đồng đội, bạn bè… mỗi người một nét riêng cứ hiển hiện trước mắt ông, gọi ông, thì thầm, thủ thỉ thành lời. Người ta gọi đó là sự ám ảnh của ký ức, nhưng với ông, đó là những sự nhắc nhớ như cách bạn bè, đồng đội cùng tổ ba người, cùng tiểu đội hằng ngày cùng chuyện trò, trao đổi chuyện vui buồn… Và ông cứ đem tâm trạng ấy, nỗi niềm ấy, lại vác ba lô “trở về” hương khói cho anh em. Đó là những khi ngồi bên những ngôi mộ, thủ thỉ chuyện trò, hoặc lên rừng chọn nơi đầu gió, nhờ hương khói tỏa vào những trảng rừng lau lách sim mua, nhờ những bè hoa chùng chình dọc suối sông… đâu đó bạn ông còn ẩn mình nằm lại chưa về.
Băn khoăn về tình hình dịch bệnh, ông bảo: “Năm ngoái xen vào giữa quãng “ngừng” của dịch bệnh, tôi còn lách về được một đôi lần. Năm nay dịch bệnh căng thẳng, chấp hành những quy định về phòng, chống dịch hạn chế đi lại trong mùa dịch, nên dù muốn tôi cũng không thể “về” với anh em đồng đội, cái tâm trạng ấy càng thêm day dứt. Hiện tại dù đã nhắn, gửi chút tiền ít ỏi nhờ anh em đồng đội địa phương hương hoa cho anh em, vậy mà tôi vẫn: “Mỗi khi tháng bảy ùa về/ Đêm dài thêm giữa bốn bề khói hương/ Giấc khuya nghiêng phía sa trường/ Bữa cơm nghẹn giữa nhớ thương bạn bè”.
“Số phận” bài thơ “Lời người bên sông”
Bài thơ "Lời người bên sông" được khắc trên bờ Nam sông Thạch Hãn đã được đề tên tác giả (Ảnh: Tư liệu)
Mặc dù bài thơ “Lời người bên sông” của ông đã quá nổi tiếng, đã quá nhiều người biết đến nhưng đằng sau nó vẫn là câu chuyện mà ít người biết. Nhiều người từng gọi đây là “bài thơ thần”, nhưng cựu chiến binh Lê Bá Dương lại khẳng định đây không phải “thơ thần”, mà là tiếng lòng của ông, một người lính trở về và được “viết” vào chiều 27-7-1987. “Xin được đóng ngoặc kép chữ “viết” vì cái cách làm thơ, hoặc làm vế đối bất chợt trong đầu và nhớ nhập tâm rồi sau này tiện lúc nào thì viết thành chữ vào nhật ký, hoặc in sách báo... Theo cách viết này, nếu in tôi có thể in vài tập đầy đặn, và bài thơ “Lời người bên sông” cũng cùng một cách viết như vậy”, ông cho biết.
Ông bảo, về nguyên bản bài thơ đầu tiên được thốt ra như thế này: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Tan chợ chiều xuôi đò có vội/ Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong”. Viết vậy là bởi hôm đó, sau lễ hương hoa cho đồng bào, đồng đội, ông một mình ngồi lặng lẽ bên bờ Thạch Hãn, chợt thấy từng chiếc thuyền của cô bác ngược dòng lên chợ Quảng Trị. Nhìn những mái chèo hối hả khuấy tung bọt nước, chạnh lòng khi nghĩ đến bạn bè, đồng đội vẫn còn gửi thân xác vào đáy sông mà xót xa. Cứ vậy từng lời như từ trong ngực ông thốt ra thành câu, thành chữ như vậy thành bài thơ – đúng hơn là lời nhắn gửi, thỉnh cầu của một người lính với mọi người trong cả dòng đời xuôi ngược.
Sau 3 năm Lê Bá Dương giữ bài thơ cho riêng mình, không in ở bất cứ tờ báo nào thì đến đầu năm 1990, trong một lần chuyện trò với 2 người bạn là nhà văn Đỗ Kim Cuông và nhà văn Thế Vũ tại Hội Văn nghệ Nha Trang, ông đã đọc bài thơ này. Nhà văn Đỗ Kim Cuông nghe xong nói ngay: Bài thơ rất cảm động, nhưng xót xa quá. Nghe vậy ông sửa từ “xin” trong câu thứ nhất thành từ “ơi”… Đây là thán từ gọi đò theo phương ngữ Quảng Trị. So với từ “xin” thì từ “ơi đò”, “bớ đò” hoặc “đò ơ” khi gọi lên có tiếng đồng vọng nên nghe thắt thẻo hơn. Riêng 2 câu sau được viết lại thành: “Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Lê Bá Dương chấp nhận sự thay đổi này và bài thơ được chỉnh sửa mới đã được in lần đầu tiên trên Tạp chí Khoa học công nghệ Khánh Hoà số kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7-1990).
Tuy nhiên, khi bài thơ chính thức được công bố rộng rãi thì đã xảy ra nhiều câu chuyện. Khi khởi công công trình bờ Nam sông Thạch Hãn (khánh thành vào 27-7-2009) mặc dù Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị đề nghị Lê Bá Dương chép tay nguyên bản bài thơ và tất nhiên có ký tên ông bên dưới. Tuy nhiên, không hiểu sao, đến ngày khánh thành, trên tấm bia không hề ghi tên tác giả. Theo đó, tuy là bài thơ tứ tuyệt, nhưng lại được tạc lên bia đá theo bố cục so le của thơ lục bát. Đặc biệt, câu đầu thay từ “ơi” thay bằng từ “xin” và câu thơ cuối cùng “Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm” đã được đổi thành “Vỗ yên bờ, bãi mãi ngàn năm”.
Lại đến việc bia thơ bờ Bắc sông Thạch Hãn, chính ông được chủ đầu tư mời ra tận xưởng chế tác tại Ninh Bình để trực tiếp đọc và rà từng từ trên phôi bia. Vậy mà đến ngày 26-7-2010, một lãnh đạo địa phương gọi qua điện thoại hỏi rằng: Thơ anh đã thành thơ của nhân dân nên không đề tên tác giả có được không? Cũng chẳng biết nói sao với câu hỏi như đã khẳng định đó, ông trả lời như thế này: “Thứ nhất, thơ tôi được người dân nhớ, chứ không thể gọi là thơ của nhân dân được. Còn việc nên hay không nên đề tên tác giả, theo tôi các anh thử nghĩ xem, nếu đề tên tôi dưới bài thơ của tôi mà thêm một người yêu Quảng Trị thì nên để, còn nếu vì để tên tôi mà làm giảm bớt một hay nhiều người yêu Quảng Trị thì dĩ nhiên không nên để làm gì”. Nói vậy nhưng đêm cùng ngày, tên tác giả đã “được” bóc ra khỏi bia, để rồi sáng ngày 27-7-2010, khi đưa gần 500 cựu chiến binh trung đoàn tham gia dự lễ khánh thành nhà hành lễ, bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn, trên bia thơ tên tác giả Lê Bá Dương chỉ còn những vết đục nham nhở (sau này được thay bằng hoa văn cánh sen cách điệu). Sau đó, cũng chính đồng chí lãnh đạo địa phương gọi điện trao đổi: “Thơ của bác không ai tranh cãi, nhưng vì thiết kế cái lư hương ngay trước bia thơ đề tên bác. Trong khi bác còn sống, mỗi lần hương khí e bất tiện, vậy nên phải ẩn tên, nhưng trong các lễ nghi cũng như văn bản công bố, tỉnh vẫn nói rõ tên tác giả Lê Bá Dương”.
Tưởng vậy cũng ổn, nhưng ngược lại, việc bia trống tên tác giả lại làm mọi người băn khoăn, phản ứng. Và điều tệ hơn, một số người ác ý, không chỉ xúc phạm đến cá nhân ông và tệ hơn còn mượn cớ để xuyên tạc bôi nhọ chính quyền địa phương cũng như Đảng, Nhà nước. Cực lòng, cùng với việc đăng ký bản quyền bài thơ, ông đem chuyện này trao đổi với lãnh đạo địa phương và ngay sau đó vào năm 2018 bia thơ cả hai bờ sông Thạch Hãn đã được hiệu đính nội dung, cùng đầy đủ tên tác giả.
Bài thơ “Lời người bên sông” của cựu chiến binh Lê Bá Dương đã đi vào hơn 20 tác phẩm “chuyển loại” từ hợp xướng, ca khúc, thậm chí cả rock và ca vọng cổ, dù dùng cả nguyên bài hay dùng vài câu, ý thơ làm ca từ. Dẫu sao, sau một “hành trình” dài “trả lại tên cho em”, bài thơ đã được ghi nhận của tác giả Lê Bá Dương bằng cả bia đá lẫn bia… miệng. Dẫu không phải là một người làm thơ chuyên nghiệp, nhưng chỉ với một bài thơ ấy, Lê Bá Dương đã chạm khắc được vẻ đẹp huyền diệu của tâm hồn, neo lại trong lòng bạn đọc, đặc biệt không chỉ với những người lính từng đi qua cuộc chiến đầy khốc liệt mà cho các thế hệ hôm nay và mai sau có dịp thấu hiểu và ngưỡng mộ quá khứ hào hùng của cả một dân tộc đã một thời chiến đấu, hy sinh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.