“PHÁT PHÁO LỆNH” MỞ ĐẦU CAO TRÀO ĐỒNG KHỞI
Sau năm 1954, Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tiến hành cuộc chiến tranh một phía ngày càng ác liệt, chúng lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại đồng bào mà không cần xét xử và thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” đàn áp đẫm máu các cuộc đấu tranh của nhân dân ta.
Trong bối cảnh đó, tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã đề ra nhiệm vụ, đường lối cách mạng chung của cả nước và đường lối cách mạng miền Nam, khẳng định lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân.
Hội nghị cán bộ quân sự miền Đông Nam bộ đã quyết định chọn căn cứ Tua Hai là mục tiêu tấn công nhằm giáng cho địch đòn bất ngờ, làm xoay chuyển tình thế phòng thủ của địch, cổ vũ phong trào Đồng khởi trong toàn miền Nam.
Tua Hai là tên một tháp canh thời Pháp, sau này Mỹ - ngụy tiếp tục xây dựng tại đây thành căn cứ quân sự chiến lược lớn. Năm 1960, Tua Hai là kho vũ khí dự bị cho cả 3 vùng chiến thuật của ngụy. Tại đây có trung đoàn 32 thuộc sư đoàn 13 ngụy, 1 trường huấn luyện biệt kích, 1 tiểu đoàn thường trực ứng chiến và 2 đại đội thám báo “cài cắm” trong dân.
Qua phân tích tình hình thực tế, tương quan lực lượng địch ở Tua Hai hơn ta nhiều lần, vũ khí địch hoàn toàn chiếm ưu thế, vượt trội cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, ở Tua Hai lại có những điểm yếu là căn cứ không được bố phòng chặt chẽ, không có công sự vật cản, tổ chức tuần tra, canh gác còn sơ hở…
Phương án tác chiến của ta được xác định gồm 4 mũi, trận đánh phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, bất ngờ, khai thác tối đa những sơ hở của địch, vô hiệu hóa bộ phận chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn địch; đồng thời, chia cắt không cho các đơn vị địch tiếp cận với kho vũ khí của chúng bằng bất cứ giá nào, kịp thời chiếm lĩnh kho vũ khí và vận chuyển về căn cứ của ta.
Tham gia trận đánh gồm 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội đặc công, bộ đội Tây Ninh, dân quân du kích, có sự hỗ trợ mang tính quyết định của Chi bộ Đảng mật trong căn cứ Tua Hai của Tỉnh ủy Tây Ninh; lực lượng dân công hỏa tuyến, tải thương, tải đạn… Chúng ta cũng cơ động, nghi binh đánh chi khu và huyện lỵ Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) để thu hút địch.
ĐÁNH DẤU BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI CỦA CÁCH MẠNG MIỀN NAM
Đúng 0 giờ 30 phút ngày 26-1-1960, trận đánh Tua Hai bắt đầu. Lực lượng của ta có khoảng 5 đại đội và tỉnh đã huy động hơn 300 cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên làm nhiệm vụ dân công hỏa tuyến.
Sau vài giờ chiến đấu, ta hoàn toàn chiếm lĩnh và làm chủ trận địa, phong tỏa kho vũ khí của địch. Lực lượng dân công ai cũng đem hết sức mình để mang được nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm chuyển ra vùng căn cứ cách mạng. Kết quả trận đánh, quân và dân ta đã tiêu diệt 400 tên địch, bắt 500 tên, thu 1.200 súng các loại, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.
Đây là thắng lợi đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, châm ngòi cho cao trào Đồng khởi ở miền Đông Nam bộ. Chiến thắng mang ý nghĩa chính trị to lớn, góp phần củng cố niềm tin và cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân miền Nam, cũng như giáng một đòn bất ngờ vào chính sách thực dân mới của Mỹ, khiến chính quyền Sài Gòn hoang mang, lo sợ.
Chiến thắng Tua Hai là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào Đồng khởi những năm 1959 - 1960; đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam. Thắng lợi đó không những góp phần khẳng định tính đúng đắn trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng thông qua Nghị quyết 15, mà còn là cơ sở để Đảng ta phát triển và hoàn thiện đường lối, phương thức, nghệ thuật đấu tranh cách mạng “hai chân, ba mũi”, trong đó đấu tranh vũ trang ngày càng chiếm vai trò quan trọng, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với giá trị lịch sử đó, năm 1993 địa điểm chiến thắng Tua Hai được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.
60 năm đã trôi qua, chiến thắng Tua Hai đã ghi thêm mốc son vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện thân cho ý chí, khát vọng và niềm tin tất thắng của cả dân tộc vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Tây Ninh, để lại nhiều bài học quý báu không chỉ cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tây Ninh, Đảng bộ và nhân dân miền Đông Nam bộ, mà còn để lại ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm cho Đảng ta trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.