Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phụ huynh học sinh làm thủ tục tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6. Trong ảnh: Giáo viên hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tuyến năm học 2020-2021 tại Trường Mầm non Hàng Đào (quận Hà Đông).
Ảnh: Kim Thỏa
Tăng tỷ lệ tuyển sinh trực tuyến
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, công tác tuyển sinh trẻ mẫu giáo 5 tuổi, học sinh lớp 1 và lớp 6 năm học 2021-2022 của các trường công lập trên địa bàn thành phố được bắt đầu từ ngày 12-7-2021. Hai hình thức tuyển sinh vẫn được áp dụng là trực tuyến thông qua Cổng thông tin tuyển sinh http://tsdaucap.hanoi.gov.vn (từ ngày 12 đến hết ngày 20-7-2021) và trực tiếp (từ ngày 23 đến hết ngày 28-7-2021).
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, từ cách đây hơn một tháng phòng đã chỉ đạo 26 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tận dụng tối đa các kênh truyền thông (trang web, mạng xã hội, bảng tin, loa phát thanh...) để thông tin về kế hoạch tuyển sinh, nêu rõ địa bàn tuyển sinh của từng trường để phụ huynh yên tâm; khuyến khích phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Các trường cũng nhấn mạnh, cha mẹ có con ở độ tuổi nào, thì truy cập vào hệ thống đăng ký đúng thời gian quy định. Cụ thể là từ ngày 12 đến hết ngày 14-7 với lớp 1; từ ngày 15 đến hết ngày 17-7 với mẫu giáo 5 tuổi; từ ngày 18 đến hết ngày 20-7 với lớp 6.
Trước băn khoăn của một số phụ huynh về việc con chưa hoàn thành bài kiểm tra đánh giá cuối năm học lớp 5 thì có được đăng ký tuyển sinh lớp 6 hay không, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Khuất Thị Hồng Điệp cho hay, công tác tuyển sinh lớp 6 theo hình thức trực tuyến vẫn diễn ra đúng tiến độ quy định, không ảnh hưởng đến việc đăng ký tuyển sinh cho con. Với đặc thù hầu hết cha mẹ học sinh trên địa bàn đều làm nông nghiệp, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế, nên trước và trong thời gian tuyển sinh, ngoài thành viên ban tuyển sinh, nhà trường còn thành lập tổ hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ học sinh qua điện thoại hoặc trực tiếp, quyết tâm đạt tỷ lệ đăng ký tuyển sinh trực tuyến từ 98% trở lên.
Còn bà Nguyễn Thị Mai, phố Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa) cho hay: “Năm trước, tôi thấy nhiều người tranh thủ thời gian nghỉ trưa để đăng ký tuyển sinh trực tuyến cho con mà không mất thời gian đi lại. Năm nay, có con vào lớp 1, tôi đã làm thử nghiệm trên Cổng thông tin tuyển sinh và thấy dễ thao tác nên sẽ áp dụng hình thức này”.
Hà Nội tăng cường đầu tư cơ sở vật chất giáo dục để nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong ảnh: Công trình Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Ba Đình) hoàn thành vào tháng 5-2021. Ảnh: Anh Thư
Tăng đầu tư để nâng chất lượng
Năm học 2021-2022, các trường học trên địa bàn Hà Nội tuyển sinh khoảng 158.000 trẻ mẫu giáo 5 tuổi; 159.000 học sinh lớp 1 và 131.000 học sinh lớp 6. Đồng thời với việc tích cực hỗ trợ cha mẹ học sinh đăng ký tuyển sinh trực tuyến, các đơn vị còn tích cực tham mưu với chính quyền địa phương tăng cường đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.
Là địa bàn tập trung nhiều chung cư, việc xây dựng bổ sung trường học luôn là nhiệm vụ được quận Hà Đông ưu tiên. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng thông tin, toàn quận hiện có 136 trường học, về cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Năm học 2021-2022, số trẻ mầm non, học sinh lớp 1, lớp 6 tăng so với năm học trước 4.000 em nên trên địa bàn quận sẽ có 1 trường tiểu học công lập và 2 trường tư thục liên cấp đi vào hoạt động.
Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm Hoàng Việt Cường cho biết, đã tham mưu UBND huyện bổ sung 42 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 1 trường mầm non và 1 trường trung học cơ sở được xây mới, đang hoàn thiện với quy mô phòng học tăng gấp hai lần so với trước đây, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em nhân dân.
Liên quan đến công tác tuyển sinh năm học 2021-2022, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, với quy mô 2.800 trường học, ngành Giáo dục Thủ đô cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, hiện tượng quá tải chỉ xảy ra cục bộ. Sở yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương tăng cường đầu tư xây dựng trường, phòng học, ưu tiên những nơi có khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư... Các đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, hạn chế ở mức thấp nhất việc tuyển sinh trái tuyến, đồng thời tránh tình trạng có trường tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu, có trường không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí và khiến người dân bức xúc.
“Mục tiêu của thành phố là bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, huy động 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe vào lớp 1, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6, vì vậy, phụ huynh hoàn toàn yên tâm. Riêng với việc tuyển sinh vào lớp 6 đối với những em chưa hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021, căn cứ vào diễn biến thực tế của dịch, Sở sẽ xin ý kiến UBND thành phố, có hướng dẫn cụ thể với tinh thần bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho học sinh”, ông Phạm Văn Đại khẳng định.