Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn về việc tuyển sinh lớp 10 với những thí sinh thuộc diện F0. Theo đó, thí sinh thuộc diện F0 có giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp và có tên trong danh sách đề nghị của phòng GD-ĐT sẽ được áp dụng theo phương thức xét tuyển.
Công thức tính điểm xét tuyển như sau: Điểm xét tuyển là tổng các điểm: Trung học cơ sở, trung bình môn Toán, trung bình môn Ngữ văn, trung bình môn Ngoại ngữ, ưu tiên.
Hà Nội cho phép thí sinh F0 được xét tuyển thay vì thi tuyển
Bên cạnh đó, văn bản của Sở GD-ĐT cũng nêu rõ, nếu thí sinh thuộc diện F0 nếu có nguyện vọng tham dự kỳ thi phải nộp đơn xin dự thi và cam kết tuân thủ các quy định phòng chống, dịch COVID-19, được cha, mẹ hoặc người giám hộ ký xác nhận đồng ý. Nếu thí sinh tự nguyện tham dự kỳ thi thì không được tham gia xét tuyển.
Ngay sau khi văn bản này được ban hành đã có không ít phụ huynh lo ngại về tính công bằng của việc xét tuyển.
Chị Đinh Tuyết Mai (Long Biên, Hà Nội) có con chuẩn bị thi vào lớp 10 không đồng tình với phương án này: “Hiện nay dịch bệnh không còn quá nghiêm trọng như thời gian trước, số lượng người mắc COVID-19 ít và biểu hiện cũng rất nhẹ, thậm chí không có triệu chứng, vậy có cần xét đặc cách cho thí sinh như vậy hay không? Với quy định về cấp giấy chứng nhận COVID-19 như hiện nay, nếu phụ huynh có quan hệ tốt hoàn toàn có thể xin cho con giấy xác nhận đang cách ly, tự điều trị tại nhà để được xét tuyển. Điều này dẫn đến mất công bằng trong kỳ thi".
Tương tự, anh Nguyễn Tiến Cường (Đống Đa, Hà Nội), phụ huynh có con chuẩn bị thi vào 10 cũng băn khoăn về tính công bằng, minh bạch của quy định này. Theo anh Cường, hiện nay dịch bệnh đã hạ nhiệt, nhiều người mắc COVID-19 nhưng biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng, vẫn có khả năng tham gia các hoạt động học tập, lao động bình thường. Nếu chỉ quy định chung chung mắc COVID-19 sẽ được chuyển sang xét tuyển, lo ngại sẽ có những trường hợp F0 giả hoặc cố tình thành F0. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng lo ngại điểm học bạ khó đảm bảo tính thống nhất, công bằng giữa các trường với nhau, do đó khi xét tuyển bằng học bạ sẽ không khách quan.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, quy định về tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội còn một số bất cập: “Chưa nói đến chuyện hiện nay để có được giấy chứng nhận F0 không có gì quá phức tạp, thì việc từ bình thường trở thành F0 thật cũng rất đơn giản. Chúng ta đã có đầy đủ phương tiện điều trị F0, các ca mắc bệnh đến nay cũng không còn nặng như trước, do đó hoàn toàn có thể đặt vấn đề rằng có thể có trường hợp chủ động trở thành F0”, bà Nga nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lo ngại rằng, năm nay số lượng học sinh thi vào 10 của Hà Nội tăng mạnh, sức cạnh tranh để giành vé vào lớp 10 rất lớn, nếu xét tuyển sẽ dẫn đến những tiêu cực. Từ đó, đại biểu này đề xuất, Hà Nội nên tính đến phương án để F0 vẫn tham dự kỳ thi nhưng có thể bố trí phòng riêng cho các em và có phương án trông thi đảm bảo an toàn, như vậy sẽ công bằng hơn.
“Nếu xét tuyển dựa vào học bạ như trên, tôi sợ rằng trong một thời gian ngắn số lượng học sinh là F0 sẽ tăng đột biến. Tất cả các phương án đặc cách cần rà soát rất kỹ lưỡng. Thi cử là cách đánh giá công bằng năng lực của tất cả học sinh. Trong trường hợp thực sự đặc biệt, chúng ta có thể xét đặc cách, nhưng hiện tại tôi cho rằng không cần thiết. Bối cảnh dịch bệnh hiện nay đã khác, nếu vẫn áp dụng dập khuôn cách làm của 1, 2 năm trước khi dịch đang “nóng” là không phù hợp”, bà Nga nêu rõ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM cho rằng, hiện cuộc sống đã trở lại “bình thường cũ”, mọi người gặp nhau cũng không còn đeo khẩu trang kín mít như trước. Vì thế, việc thi cử phải công bằng, là cơ hội cho tất cả mọi người. Quy định F0 được xét học bạ không còn phù hợp trong tình hình hiện nay.