Từ 22/11 thêm nhiều học sinh lớp 9 của 17 huyện và thị xã ngoại thành Hà Nội được trở lại trường, các khối còn lại học trực tuyến, cấp mầm non tiếp tục ở nhà.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc tiếp tục cho thêm học sinh trở lại trường.
Cụ thể, tại các đơn vị xã/phường/thị trấn của 17 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến thời điểm 16/11 không có các ca F0 trong cộng đồng, mỗi xã/thị trấn chọn 1 trường THCS cho học sinh khối 9 học trực tiếp; học trực tuyến các khối lớp còn lại; cấp mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.
Trao đổi với Gia đình Việt Nam về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá việc trở lại trường học là một nhu cầu cấp thiết của học sinh và phụ huynh.
Chuyên gia y tế này cho rằng, khi đã chấp nhận "sống chung" với dịch thì chúng ta phải xác định các ca mắc mới là bình thường và điều quan trọng nhất là phát hiện thật nhanh để khoanh vùng dập dịch càng sớm càng tốt.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), điều đáng lo ngại đối với học sinh khi học online dài ngày không chỉ ảnh hưởng tới việc tiếp nhận kiến thức mà còn tác động rất nhiều đến sự phát triển thể chất, tâm lý của các em học sinh.
"Học sinh phải ở nhà dài ngày, chỉ được học online không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu kiến thức mà còn có những tác động tiêu cực đến thể chất, tâm lý các em khi không được đến trường", ông Phu nói.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng bên cạnh việc tạo ra được tâm lý tốt cho các em thì cần có quy định chặt chẽ về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với nhà trường, giáo viên, gia đình học sinh.
Khi học sinh đi học trở lại điều đáng lo ngại nhất vẫn là nguy cơ lây nhiễm chéo vì các em học tập, sinh hoạt trong phạm vi tập thể. Do đó, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo nhà trường cần thực hiện giãn cách theo từng đơn vị lớp, học sinh chỉ nên sinh hoạt trong lớp của mình, hạn chế tối đa các hoạt động giao lưu, tiếp xúc giữa các lớp.
Bên cạnh khuyến cáo các em học sinh thực hiện tốt 5K thì cần lưu ý gia đình nào có thành viên hoặc bản thân trẻ bị sốt, ho, khó thở thì phải nghỉ học, khai báo y tế, thông báo với nhà trường để phối hợp xử lý.
"Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các đơn vị y tế để sớm phát hiện các học sinh có triệu chứng ho, sốt, đau rát họng... khi phát hiện ca bệnh thì cần khoanh vùng, dập dịch ngay, khống chế ổ dịch, không để lây lan rộng", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Trước đó, ngày 8/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, để học sinh được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, bà các địa phương cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128. Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp.
Khi học sinh quay trở lại trường học thì phải làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em. Trẻ đến trường phải được an toàn và được hỗ trợ để thích ứng môi trường học tập mới sau nhiều tháng dài dạy học trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý học sinh.