Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc cho học sinh trở lại trường là mong muốn của nhiều người nhưng "còn nhiều khó khăn".
Ông Cương đánh giá một tiết học ở lớp có giá trị tương đương với 20-30 tiết học trực tuyến, bởi học sinh được gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp với bạn bè và giáo viên. Chưa kể, học trực tuyến thường gặp nhiều vấn đề phát sinh như mất kết nối, gián đoạn đường truyền.
Trước thực tế này, ngày 14/10, khi Hà Nội cho phép quán ăn, cửa hàng mở cửa đón khách trực tiếp, nhiều phụ huynh, giáo viên cũng bày tỏ hy vọng học sinh sớm được trở lại trường. Tuy nhiên, cũng trong hôm nay, ông Cương cho rằng việc này vẫn còn nhiều khó khăn, một trong số đó là chưa đủ vaccine.
Năm học 2021-2022, Hà Nội có khoảng 2,1 triệu học sinh các cấp và 900.000 trẻ chưa đến độ tuổi đi học. "Mở cửa trường học khi học sinh chưa được tiêm phòng sẽ không đảm bảo an toàn. Khi mở cửa mà không đảm bảo điều này, nhiều phụ huynh cũng rất lo lắng", ông Cương nói.
Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án để học sinh trở lại trường. Trong đó, phương án được đánh giá khả thi nhất là cho những khối lớp đầu và cuối cấp đi học trước, sau đó mở cửa dần. Dự kiến, các quận, huyện thuộc "vùng xanh", ít nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ mở cửa trước. Đây cũng là ý kiến được đông đảo giáo viên, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện tán thành.
Tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi cũng là nhiệm vụ được Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vaccine phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Với trên 8 triệu trẻ ở độ tuổi này, số lượng vaccine để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều, Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV sẽ tiêm đủ hai mũi cho trên 95%.
Đến nay, học sinh Hà Nội và nhiều địa phương đã dừng đến trường hơn 5 tháng, trong đó có hơn một tháng học online liên tục; bên cạnh 2-3 đợt học trực tuyến kéo dài của các năm học trước.
Nhiều nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý đánh giá việc ở nhà quá lâu và tiếp xúc với máy tính liên tục có thể khiến trẻ sợ hãi, lo lắng quá mức; kích động so với bình thường hoặc so với phần lớn trẻ khác; hành vi ứng xử hung hăng, mất kiểm soát và chống đối; dễ nóng nảy và cáu kỉnh; né tránh khỏi các tương tác xã hội; mất hứng thú với các hoạt động yêu thích; ăn mất ngon hoặc ăn quá nhiều...