Có một bài thơ mà hôm nay tôi muốn xin được nhắc lại vài dòng:
“[…] Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi. […]”
(Tổ quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến, NXB Phụ nữ, 2015)
Đó là những dòng thơ chất chứa cảm xúc dạt dào của Nguyễn Việt Chiến trong bài thơ “Tổ Quốc nhìn về biển” khi tác giả đang băn khoăn, trăn trở về số mệnh biển đảo của nước ta. Đất nước ta tựa bốn ngàn năm lịch sử dường như đã được gánh cho một số phận phải chống quân xâm lược. Để gìngiữ , bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mảnh đất chữ S này, biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đã đổ ra bao nhiêu xương máu để ta có được hòa bình như ngày hôm nay. Khó khăn thử thách vẫn chồng chất, số mệnh của đất nước vẫn hết sức gian nan nhưng bộ đội ta cùng toàn thể nhân dân Việt Nam vẫn kiên cường, bất khuất đứng lên hễ Tổ Quốc gặp lâm nguy.
Để kỉ niệm ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) cũng như bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người không ngại hi sinh tuổi thanh xuân để giữ vững mảnh đất quê cha đất tổ, thư viện trường THCS Ngọc Thụy trân trọng giới thiệu tới quý thầy cô và các em học sinh cuốn sách Đảo chìm Trường Sa của nhà thơ Trần Đăng Khoa do nhà xuất bản Văn học ấn hành vào năm 2015.
Trần Đăng Khoa - ông biết đến nhiều hơn cả với tên gọi là “nhà thơ” hay “thần đồng thơ Việt Nam” nhưng bên cạnh sự nghiệp thơ ca ấy, ông còn là một “cây bút” văn xuất sắc của nền Văn học Hiện đại Việt Nam. Đảo chìm Trường Sa là một trong những tác phẩm đã khẳng định được tài năng văn chương của nhà thơ. Cuốn sách dày 259 trang tuyển tập thơ văn và bạn đọc với Đảo chìm, đưa chúng ta đi chu du một vòng ra những hòn đảo xa lắc xa lơ trên quần đảo Trường Sa.
Nếu ai chưa tới Trường Sa sẽ khó hình dung được “đảo chìm” là như thế nào. Đó là một đảo nhỏ, có diện tích không lớn, nằm hiên ngang giữa bốn bề sóng nước. Đảo được hình thành và xây dựng, cải tạo trên nền san hô nằm dưới mực nước biển. Lúc thủy triều lên, bãi san hô ngập nước; lúc triều xuống, bãi san hô quanh đảo lộ diện vẻ đẹp vốn có trước sóng gió trùng khơi. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng ví Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta trên bản đồ thế giới trông giống như một bà mẹ già gầy gò đội nón lá, lưng còng gập có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử. Bà mẹ đáng thương ấy vẫn còn lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sông. Tấm lưng còng gập quay ra đại dương. Và cái phên dậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa. Ngay chính cách hình dung ấy, ta đã thấy được hình ảnh của đất nước Việt Nam bình dị và thân quen không ai khác đó chính là người nông dân lao động, và đặc biệt hơn cả đó là người mẹ cần cù chịu thương chịu khó. Nó cũng gợi ra cho ta số phận của Tổ Quốc trong quá khứ khi còn nghèo nàn, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Khi ấy, tác giả còn đang là bộ đội hải quân Trường Sa, là một chàng lính trẻ cùng đồng đội dựng chòi giữa sóng gió hoang vu để canh giữ, bảo vệ biển đảo Tổ Quốc.
Nhà thơ đã đưa người đọc ngược thời gian, trở lại quá khứ những ngày gian khổ, khi nước ta lúc bấy giờ mang bầu mây nước âm u, hoang dã; bao nhiêu kẻ nhòm ngó, bao nhiêu kẻ hòng muốn rình rập, tranh chấp… Máu đã đổ ở Trường Sa. Khoảng thời gian đó hiện chỉ còn trong kí ức. Nếu bây giờ có dịp đặt chân thực sự lên “hòn đảo huyền thoại” ấy, có lẽ chúng ta sẽ thấy hòn đảo rất khác so với những gì tác giả kể. “Một căn nhà vững chãi như lô cốt hai tầng bằng bê tông cốt thép đã được dựng lên. Bên cạnh cái ‘lô cốt’ sừng sững như một pháo đài này, Bộ tư lệnh Hải Quân vẫn giữ lại cái lều bạt hoang sơ mà những người lính biển chúng tôi đã ở, như một bảo tàng giữa trời nước, lưu giữ dấu ấn của những ngày gian khổ chưa xa. Nhưng dù chúng ta có nâng niu gìn giữ thế nào thì sắt thép cũng sẽ bị hoen rỉ trong nước mặn. Mọi sự việc dù cảm động đến đâu rồi cũng phai mờ qua những biến động của thời gian.” Đó là những dòng cảm xúc của nhà thơ khi nhớ về khoảng thời gian mình công tác tại Trường Sa. Phải chăng chính nguồn cảm hứng dạt dào đó, Trần Đăng Khoa đã tỉ mẩn ghi lại tất cả những gì mình thấy, làm một cái “bảo tàng” nho nhỏ cho bạn đọc, cho những người đến sau thấy được quá khứ - những thứ khó có thể thấy trong hiện tại?
Mặc dù hiện nay không còn mấy những hình ảnh kia, nhưng giữa biển trời mênh mông, các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) vẫn nổi lên như những con tàu hiên ngang, tạo thành "lá chắn thép” che chở cho các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo. Cuộc sống ở các đảo chìm vẫn còn bộn bề gian khó. Thật vậy, bằng sự quan tâm động viên kịp thời từ các cấp, ngành và Nhân dân cả nước, sự dẻo dai trong chính sách của Đảng; cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã được tiếp thêm nhiều sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Ðó là yếu tố quan trọng để những người lính nơi “đầu sóng ngọn gió” luôn cảm nhận được hơi ấm của đất liền và luôn quyết tâm bám trụ ngày đêm để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuốn sách đã cho ta thấy một mảng quá khứ của Tổ quốc gian khổ mà hào hùng, đồng thời cũng ngầm thấy được lời nhắn nhủ của nhà thơ với lớp thế hệ trẻ ngày nay cần phải biết gìn giữ và bảo vệ biển đảo quê hương. Để rồi từ đây, ta càng thêm yêu, trân trọng và biết ơn những người đã hiến dâng đời mình, hi sinh xương máu giữ hình hài cho Tổ Quốc. Biết bao nhiêu máu và nước mắt đã rơi xuống của bộ đội ta và nhân dân ta mà người đời sau cần phải biết khắc cốt ghi tâm.
Đảo chìm Trường Sa đã xuất sắc truyền tải thông điệp truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta đến người đọc để ta thêm trân quý những khoảnh khắc hòa bình của hiện tại, cũng như “những người mặc áo xanh” đã đem lại sự yên ổn cho biển đảo Tổ Quốc. Cuốn sách Đảo chìm Trường Sa hiện đang có tại tủ sách “Sách Văn học” của thư viện nhà trường, trân trọng kính mời quý thầy cô và các em học sinh đến tìm đọc để có thể ngược trở về quá khứ, lắng lại dòng chảy của thời gian mà cảm nhận những thanh âm trong trẻo mà cuốn sách để lại.
Hy vọng cuốn sách này sẽ là một món quà ý nghĩa khởi đầu cho một tuần học và làm việc mới hiệu quả; cũng như giúp mọi người thấy được vai trò, ý nghĩa của ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.