Viết lên hy vọng là một trong những cuốn sách nằm trong tủ sách “Thầy cô và Mái trường”. Cuốn sách là những trang nhật kí mang đậm hơi thở cuộc sống, chân thực, trần trụi mà mang theo bao nhiêu thông điệp, hi vọng cho một tương lai tươi sáng
Kính thưa các thầy cô giáo và toàn thể các em học sinh thân mến!
Hà Nội những ngày cuối thu đầu đông với những cơn gió se se lạnh, từng góc phố, từng hàng cây, từng cảnh sắc nơi đây dường như có một sức hút kì lạ níu chân người… Trời Hà Nội mỗi ngày một lạnh hơn trước bước đi của thời gian. Mùa đông thật sự đã về nhưng cái lạnh của mùa đông không làm giảm đi sự ấm áp của lòng người bởi những tình cảm thân thương, trìu mến.
Tháng 11 đến cũng là lúc để ta nhớ về và biết ơn những “người lái đò” thầm lặng đã gieo cho ta từng con chữ, thắp sáng trong ta ngọn nến lung linh của niềm tin và hi vọng. Hòa chung với bầu không khí náo nhiệt Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thư viện trường THCS Ngọc Thụy xin được giới thiệu đến quý thầy cô và các em học sinh cuốn sách Viết lên hi vọng của tác giả Erin Gruwell và Những nhà văn tự do, được dịch bởi Thu Huyền, do nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2018.
Khác với hầu hết các cuốn sách khác, Viết lên hi vọng được viết theo hình thức nhật kí. Tuy đây không phải là một dạng thức viết quá mới mẻ nhưng cách mà cuốn sách chạm vào trái tim của người đọc lại hết sức đặc biệt. Nó mang một sức mạnh to lớn, một sức mạnh có thể làm rung chuyển cả một nền giáo dục.
Cuốn sách dày 457 trang bao gồm 8 chương tương ứng với bốn năm học tập và giảng dạy của cô Erin Gruwell cùng toàn thể các em học sinh phòng 203 từ năm 1994 đến năm 1998. Bốn năm học với những dòng cảm xúc ngổn ngang dày đặc, tất cả hiện lên trên những trang nhật kí của cô Erin Gruwell và các em học sinh ấy. Cô Erin Gruwell - một giáo viên Ngữ văn mới 23 tuổi và tràn đầy lý tưởng - về dạy tại trường Trung học Wilson, Long Beach, California. Như nhiều giáo viên mới ra trường khác, cô phải đương đầu với một lớp học toàn những học sinh cá biệt, những thành phần “hết thuốc chữa” và vô cùng “nguy hiểm”. Những khó khăn, thử thách mà cô Erin Gruwell phải trải qua khi bước chân vào căn phòng 203 có thể nói bất cứ ai đọc lên cũng không muốn mình ở trong vị trí đó nhưng cô không đầu hàng, mất hi vọng mà rất kiên cường, nỗ lực vượt qua với niềm tin mạnh mẽ rằng giáo dục có thể chiến thắng cả những nghịch cảnh tồi tệ nhất. Cô hạ quyết tâm các học sinh “hết thuốc chữa” của mình phải có được cơ hội giáo dục bình đẳng như tất cả mọi người.
Bằng tình yêu thương và sự quan tâm, cô Erin Gruwell dành hết sự tâm huyết của mình dành cho “những đứa trẻ phòng 203” ấy. Những em học sinh từ chống đối, nghịch phá đã trở nên có ý thức và trưởng thành hơn. Cô Erin Gruwell đã “viết lên hi vọng” cho những em học trò biết tin tưởng vào chính mình, biết yêu thương, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau.
“ - Cô Gruwell cũng khuyến khích mình theo đuổi tình yêu đích thực của đời mình, đó là thể thao. Cô nói với mình rằng rất nhiều người mắc chứng khó đọc cũng chơi thể thao rất giỏi, và xem đó như một cách cho những kẻ cười nhạo mình ở lớp học “biết mặt”. Giờ mình đã biết rằng nếu mình chăm chỉ học và chơi thể thao, mình có thể thành công ở cả hai lĩnh vực. - (Trích Nhật kí 11)
- Hôm nay, trong lớp học của cô Gruwell, mình đã nhận ra rằng dù vỏ có khác nhau thì hạt đậu vẫn chỉ là hạt đậu. Có loại ngon hơn, có loại tươi hơn, nhưng suy cho cùng, chúng đều là hạt đậu. Phương châm của cô Gruwell “Đừng đánh giá hạt đậu qua vỏ ngoài của nó, hãy đánh giá bằng lớp bên trong nó” thực sự rất có ý nghĩa đối với mình. Chỉ cần vẫn còn là con người, mình không cần phải lo lắng về điều người khác nói. Vì suy cho cùng, tất cả mọi người đều như nhau! - (Trích Nhật kí 17)
- Đọc tới cuối cuốn sách, mình như muốn phát điên vì Anne Frank đã chết, vì khi cô ấy chết, một phần trong mình cũng chết cùng với cô ấy. Mình khóc khi cô ấy khóc, và cũng giống như cô ấy, mình cũng muốn biết vì sao người Đức lại giết hại đồng bào của cô ấy. Cũng như cô ấy, mình biết cái cảm giác phân biệt chủng tộc, cảm giác bị coi thường chỉ vì màu da của mình. Cũng như cô ấy, “đôi khi mình cảm thấy mình giống như một con chim bị nhốt trong lồng, chỉ muốn thoát ra”. Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu mình khi đọc xong cuốn sách là sự thật cô G đã nói đúng. Quả thật mình đã tìm thấy chính mình trong những trang sách, đúng như cô ấy đã nói với mình. - (Trích Nhật kí 36)”
Đó là những trang nhật kí với những dòng cảm xúc của các bạn học sinh phòng 203, lớp cô Erin Gruwell. Những cảm xúc chân thật, những hạt giống tốt đẹp đang từng ngày nảy nở trong trái tim của các em. Cô đã thắt chặt mối quan hệ thầy trò bằng những dòng tâm sự đó cùng với những phương pháp, hoạt động ý nghĩa như thăm bảo tàng về Cuộc Thảm sát người Do Thái... làm cho khoảng cách giữa giáo viên và học sinh dường như chỉ bằng con số 0. Không chỉ gieo lên hạt giống hi vọng ở các em, cô Erin Gruwell còn tạo nên những kì tích đáng kinh ngạc làm rung chuyển toàn bộ nền giáo dục Mỹ.
Cuốn sách đem lại cho chúng ta những trạng thái cảm xúc khó tả. Đối với cương vị là một nhà giáo, khi đọc lên ta càng thấy được nghề giáo viên của mình có ý nghĩa hơn bao giờ hết, khiến bản thân nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có thể làm cho cuộc sống của người khác trở nên khác biệt. Đối với người học sinh, các em cũng sẽ hiểu rằng bản thân mình có thể làm được, có thể vươn tới ước mơ và khát vọng dù xuất phát điểm của mình có nằm ở vị trí nào đi chăng nữa. Các em cũng sẽ hiểu hơn công lao của thầy cô - những người đã đem đến cho các em những tri thức, không quản ngại thử thách, gian lao với mong muốn học trò của mình trở thành người có ích cho xã hội. Bởi vậy, ta mới thấy. Hãy đến với cuốn sách để cùng trải nghiệm từng dòng nhật kí đầy xúc động này. Hãy lật giở từng trang để thấy được cuộc đời này dù có mưa giông bão tố này nhưng chắc chắn rồi một ngày cầu vồng sẽ hiện ra. Cuốn sách Viết lên hi vọng hiện đang có tại tủ sách “Thầy cô và mái trường” của thư viện nhà trường, hy vọng rằng cuốn sách sẽ là một món quà, một lời chúc tốt đẹp nhất gửi đến tất cả các quý thầy cô giáo, cùng tất cả các em học sinh có một ngày 20/11 ý nghĩa và tuần học, làm việc hiệu quả. Mong sao cuốn sách này cũng sẽ trở thành động lực, trở thành ngọn đuốc soi đường giúp sợi dây liên kết giữa thầy và trò trường THCS Ngọc Thụy ngày càng bền chặt và thấu hiểu hơn.