“Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh
Khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã khôn lớn rồi”
Một ngày đầu đông, tôi phóng xe lượn qua lượn lại trên phố Quán Thánh và Phan Đình Phùng để tìm cho mình một bó cúc họa mi thật đẹp. Hà Nội mùa này đẹp gì bằng những bông hoạ mi trắng cùng cái nắng ửng hồng. Tiếng nhạc rộn ràng cứ réo rắt vang lên trong lòng tôi, tưởng nhớ về một người thầy tận tụy cống hiến với nghề, với đời. Hình ảnh thầy với nụ cười hiền từ cứ thôi thúc tôi về lại mái trường xưa. Đặt bó cúc họa mi dưới tượng thầy Chu Văn An, kỉ niệm tuổi thơ như giông bão tràn về.
Tôi của cấp 2 là một con bé thơ ngây, học ở một ngôi trường làng. Lực học của tôi chỉ vào loại khá. Tôi còn nhớ như in gương mặt lo âu, đầy khắc khổ của bố khi được trao đổi riêng với cô giáo chủ nhiệm của mình. Cô đã nói : “Với sức học của con, cô giáo cho rằng con không thể đạt đủ điểm để vào trường cấp 3 công lập trong thành phố. Anh có thể tìm hiểu một số trường dân lập trên địa bàn để chuẩn bị trước cho con”. Bố mỉm cười động viên tôi: “Không sao con ạ, con cứ cố lên ! Tất cả đã có bố lo”.
Có lẽ, chính lời động viên ấy cùng sự cố chấp của bản thân đã thôi thúc tôi đăng kí thi vào chuyên Sử trường THPT Chu Văn An - một quyết định mà ai cũng cho rằng hão huyền và không tự lượng sức mình. Quả thật, trời không phụ lòng người. Ngày thông báo kết quả trúng tuyển là ngày vui của cả gia đình tôi. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy may mắn vì quyết định đó.
Bước vào trường cấp 3 đã có gần 100 năm lịch sử ấy, tôi hoàn toàn bị choáng ngợp bởi sự cổ kính đan xen với hiện đại. Khóa tôi học là niên khóa 2004-2006, cũng là khóa chuyên Sử đầu tiên của trường. Thầy tôi – thầy Lê Văn Dũng – là người được phân công giảng dạy môn Sử cho lớp 10S.
Tôi còn nhớ lần đầu gặp thầy, tôi đã bị ấn tượng bởi đôi mắt bé tí trông như mắt lác và cả giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng pha lẫn hài hước của thầy nữa. Thầy đã “đánh bật” hoàn toàn mọi định nghĩa truyền thống về một người thầy giáo trong lớp 10S.
Chưa bao giờ có một người thầy giáo nào vừa nhiệt huyết vừa yêu nghề như thầy. Nếu bạn nào nói môn Sử khô khan thì hãy đến gặp thầy của chúng tôi, thầy sẽ đưa các bạn đến với những câu chuyện cổ tích, những chuyến du lịch khám phá thế giới hay những “game show” hấp dẫn. Sự tận tụy, lòng yêu nghề mến trẻ của thầy đã truyền cảm hứng vào môn Sử khiến chúng tôi thích thú mỗi khi đến giờ thầy. Lớp học ngày ấy đầy ắp tiếng cười. Thầy luôn lắng nghe và tiếp nhận những suy nghĩ ngô nghê của học sinh, để chúng tôi thỏa sức tranh luận rồi định hướng bằng suy nghĩ của mình. Thầy như ngọn lửa, truyền cho chúng tôi lòng tự hào về những trang sử vẻ vang của đất nước.
Dù chưa bao giờ học giỏi Sử nhất lớp, nhưng tôi vẫn luôn tự hào là người đầu tiên trong lớp được điểm 10 bài tiểu luận. Chỉ vì mong muốn được nghe thầy khen ngợi mà tôi đọc hết cả trăm trang sách Lịch sử thế giới cổ đại, thức đêm thức hôm viết bài tiểu luận. Nhưng tôi đâu biết rằng niềm vui nho nhỏ của những cô cậu học trò vì được điểm 9, điểm 10 là những ngày chấm bài thâu đêm.
Cũng chưa bao giờ có một người thầy giáo nào gần gũi mà giản dị như thầy. Để khích lệ tinh thần học tập và tình yêu đối với môn Sử, thầy cùng một số bạn cán bộ lớp thành lập Câu lạc bộ yêu thích Sử. Ngày đó chúng tôi thường đùa với nhau, không phải Câu lạc bộ Yêu thích Sử mà là Câu lạc bộ Hành Sử. Ngày thành lập Câu lạc bộ là ngày chúng tôi được đến thăm góc trọ nơi thầy ở trong ngõ Thụy Khuê. Sự giản dị, đơn sơ trong ngôi nhà thầy khiến lũ học sinh thành phố chúng tôi mắt tròn mắt dẹt. Đó là một căn phòng trọ khá nhỏ chỉ đủ cho một người sinh sống. Vì là đàn ông lại sống độc thân nên phòng thầy chỉ có vài vật dụng nhỏ, còn lại toàn sách và sách. Thầy nói đó là cả gia tài của thầy, là thứ duy nhất thầy mang từ quê lên Hà Nội. Trong ánh đèn leo lắt nơi góc phòng, thầy kể cho chúng tôi, gia đình thầy vốn có truyền thống hiếu học. Thầy đến với nghề giáo bằng một chữ “duyên” nhưng không nghĩ rằng thầy lại gắn bó với nó lâu đến thế. Ngôi trường đầu tiên thầy dạy là trường THCS Nam Hồng – ngôi trường thời cấp 2 của chính thầy. Hồi đó, thầy vừa làm phong trào Đoàn – Đội vừa đứng trên bục giảng. Bảy năm tại trường là bao kỉ niệm gắn bó với những đêm khuya miệt mài bên trang giáo án. Những nhiệt huyết của tuổi trẻ, những ngày phấn đấu quên mình đã giúp thầy dần khẳng định được năng lực chuyên môn, sớm gặt hái được nhiều thành tích, đặc biệt là những bằng khen cấp trường, cấp Quận và Thành phố. Rồi cơn bão thị trường khiến những người đồng nghiệp, người bạn thân thiết của thầy lần lượt rẽ ngang, làm giàu bằng con đường khác. Thầy cũng từng trăn trở “Chẳng nhẽ mình không thể sinh vì nghề, tử vì nghiệp hay sao ?” Lại là một chữ “duyên” đến với thầy khi nhận được cuộc gọi từ thầy Đinh Sĩ Đại – nguyên Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An. Hóa ra thầy Đại dự định bắt đầu mở ở Chu Văn An hệ chuyên Sử nên đã đề nghị thầy tôi chuyển về công tác tại trường. Khóa chúng tôi cũng là khóa đầu tiên thầy giảng dạy. Thầy ấp ủ sẽ giúp chúng tôi thi vào đội tuyển học sinh giỏi Sử Thành phố, Quốc gia, đánh bật trường Ams vốn luôn dẫn trước Chu Văn An hay giúp cả lớp đỗ đại học với điểm Sử cao.
Thầy Lê Văn Dũng tại trường THCS Nam Hồng (Nguồn ảnh : Facebook)
Những ngày sinh hoạt câu lạc bộ, lớp Sử chúng tôi không đứa nào vắng mặt. Tình thầy trò, tình bạn cứ thế nảy nở, ươm mầm rồi trở thành những kỉ niệm đẹp nhất trong đời mỗi đứa học sinh chúng tôi. Ngày ấy, thích nhất là được quây quần bên thầy và chúng bạn để ăn những bữa cơm giản đơn do chính tay mình nấu. Tôi vẫn nhớ món canh rau muống luộc sống sượng tôi luộc ở nhà thầy. Ôi sao có người hậu đậu đến thế, luộc rau mà đen xì xì. Tôi đã trộm đổ vào nồi luộc lại. Nhưng khéo quá hóa vụng, thầy vẫn hóm hỉnh động viên tôi “Món rau này của con dành cho những người răng yếu như thầy.”
Không phụ công dạy dỗ của thầy, lứa học sinh năm ấy lần lượt giành được nhiều thành tích cao cho trường, cho lớp. Chính bản thân tôi cũng đạt giải Ba Thành phố môn Sử. Nghe lũ học trò nhí nhố chúng tôi chen nhau đòi phần thưởng, thầy cười rạng rỡ, phấn khởi động viên từng đứa tiếp tục cố gắng. Nhưng rồi lời động viên giản đơn ấy của thầy không thành. Chúng tôi đứa thi khối A, đứa thi khối D theo nguyện vọng của gia đình, một số ít như tôi thi khối C lại học đây học đó khắp các lò luyện thi. Cửa nhà thầy dần vắng bóng, câu lạc bộ cũng dần im ắng.
Ngày chia tay cuối cấp, thầy hát tặng chúng tôi bài hát Chân tình – bài hát huyền thoại mà mỗi lứa học sinh của thầy đều được nghe. Giọng thầy không hay mà sao từng lời, từng chữ nghe ấm áp đến thế ! “Như chưa từng có giây phút lìa xa, giấu gương mặt trên vai anh khóc òa, những con đường anh đi rồi cũng đưa anh về bên em.” Thầy tôi – người thầy kính yêu đã dạy chúng tôi bằng tất cả những chân tình của đời mình. Dù chỉ được học thầy 3 năm nhưng chúng tôi luôn cảm nhận được những lời thầy nói ra là những chân thành của một người thân dành cho con. Thầy dạy cho mỗi đứa học sinh chúng tôi những bài học vô giá, những lời khuyên răn, những lời dạy dỗ, hỏi thăm, động viên mỗi khi gặp khó khăn cả về học tập đến những công việc trong cuộc sống đời thường. Nếu bầu trời tượng trưng cho những giấc mơ thì hình ảnh thầy ân cần, tận tụy và giản dị khi xưa đã ươm mầm ước mơ trong tôi, thôi thúc tôi khát vọng được trở thành cô giáo tương lai.
Ngày tôi đỗ trường Sư phạm, thầy vừa mừng vừa buồn. Mừng vì tôi đã chọn được con đường tương lai của mình, buồn vì tôi không theo môn Sử mà lại lựa chọn Văn. Gạt qua tất cả, thầy vẫn động viên: “Vài năm nữa gặp lại, thầy với con là đồng nghiệp đấy nhé ! Nhưng thầy nhắc, theo sư phạm là chông gai lắm đấy. Khó khăn gì thì cứ gọi thầy, đừng nản chí mà bỏ cuộc nhớ chưa ? Giáo dục là sự nghiệp trồng người, con cố gắng học tập nghiêm túc đừng làm xấu mặt thầy.” Lời thầy dạy bảo tôi vẫn luôn nhớ và thầm nhắc nhở mình suốt những năm tháng sinh viên.
Mỗi năm đến ngày 20/11, lớp chúng tôi lại đến thăm người thầy giáo khi xưa. Lứa học trò ngày ấy của thầy đã thành đạt cả. Chúng tôi cũng mừng cho thầy vì thầy không còn là ông giáo độc thân vui tính mà đã là người chồng mẫu mực, bố của ba đứa trẻ. Đặc biệt, sau nhiều năm cống hiến, thầy được nhà trường tin tưởng, cấp trên giao phó, trở thành Hiệu phó của trường Phổ thông chất lượng cao Chu Văn An. Cô Nguyễn Hồng Vân – giáo viên chủ nhiệm lớp 12S chúng tôi đã từng chia sẻ: “Thầy Dũng là người thầy tận tâm, một người lãnh đạo tài năng mà ngay thẳng, một người đồng nghiệp dễ dàng chia sẻ”. Duy chỉ có điều không bao giờ thay đổi, đó là nụ cười ấm áp, giọng nói trầm ấm, pha lẫn chút hóm hỉnh của thầy. Bao lứa học trò về thăm, thầy vẫn nhớ tên từng người, biệt danh từng đứa, vẫn động viên khi chúng tôi than thở chuyện chồng con. Dù lớn đến đâu nhưng trước mặt thầy, chúng tôi vẫn là những cô cậu học trò bé nhỏ “chẳng nên thân” ngày xưa, sau bao lo toan của cuộc sống, tìm đến thầy để được nghe thầy động viên, mắng mỏ.
Người thầy tận tụy - người chồng đảm đang – người cha mẫu mực (Nguồn ảnh facebook)
Thế nhưng, phượng vẫn nở mà thầy đã không còn, thầy ơi !
Ngày nghe tin thầy mất là ngày Hiến chương nhà giáo chỉ còn vài hôm. Chúng con vẫn đang lên kế hoạch đến nhà thăm thầy. Nghe người nhà thầy kể lại, thầy về quê và bị cảm rồi mất ngay tại mảnh đất quê hương Nam Hồng. Lúc ấy, thầy vẫn đang chuẩn bị một bộ quần áo vest, một tiết mục văn nghệ để biểu diễn ở lễ kỉ niệm Hiến chương các nhà giáo tại trường THCS Nam Hồng. Mọi dự định vẫn còn đó nhưng thầy không thể tiếp tục hoàn thành. Trên facebook của thầy là hàng trăm bài viết của các thế hệ học trò. Những cảm xúc bất ngờ, bàng hoàng …những giọt nước mắt thương tiếc … những kỉ niệm ngọt ngào cùng người thầy giáo nhân dân của chúng con !
Đọc những bài viết tưởng nhớ và tri ân thầy, tôi không thể ngăn được những giọt nước mắt đau đớn, xót xa của mình.
Ngày…tháng…năm, trò Nguyễn Ngọc Bích : “Đã 5 ngày trôi qua kể từ ngày em nhận được tin thầy không còn nữa, vậy mà em vẫn chưa hết bàng hoàng… Thầy không chỉ dạy và chỉ bảo em trong suốt nhưng năm cấp 3 mà giờ đây thầy còn dạy em về cuộc sống. Vì cuộc sống là vô thường, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Vậy nên hãy cố gắng sống có ích, sống vì đam mê, sống tự trọng và sống không hổ thẹn với đời Thầy nhỉ.”
Ngày … tháng … năm, học sinh Vũ Ngọc Linh : “Thầy ơi, sao thầy ngủ lâu thế? Mọi người vẫn đang đợi thầy tỉnh dậy đây này. Hôm con đến viếng, mọi người trong nhà thầy bảo là vẫn nói dối 3 đứa nhóc là bố nó đang ngủ, lâu hơn mọi ngày. Rồi các em sẽ thế nào khi chúng đợi mãi mà bố vẫn không dậy?
Thầy ah, thầy đã sống một cuộc đời không có gì phải hối tiếc rồi. Thầy đã yêu, thương, và được mọi người yêu, thương như một người cha vĩ đại của biết bao thế hệ học trò. Giờ là lúc người ở lại phải mạnh mẽ. Cô và 3 em sẽ không đơn độc, mọi người sẽ luôn bên gia đình thầy, và các em sau này sẽ hiểu chúng đã có một người cha vĩ đại đến nhường nào. Bình an và mỉm cười thầy nhé!”
Sẽ chẳng còn đâu hình bóng người thầy ngày ngày hăng say kể chuyện trên bục giảng còn kẽo kẹt tiếng gỗ. Phải làm gì để thế hệ học sinh chúng con được nghe lại giọng thầy giảng bài, để được cười đùa thỏa thích, được tâm sự cùng thầy, hay đơn giản là để gọi một tiếng “thầy”, thầy ơi !
Năm 2018, thầy giáo của hàng nghìn thế hệ học sinh chúng tôi – thầy Lê Văn Dũng đã không còn nữa. Nhưng hình ảnh người thầy giáo quốc dân liêm khiết, tận tâm làm rạng danh ngôi trường THPT Chu Văn An sẽ còn mãi như một người truyền lửa để chúng tôi bước tiếp trên con đường thành công. Thầy là bức tượng đài kiên cố, một tấm gương sáng về lòng đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, về sự tận tụy, mẫu mực. Tôi của hiện tại cũng đang tiếp bước sự nghiệp trồng người của thầy, trở thành một cô giáo đứng trên bục giảng, gieo mầm cho những ước mơ. Tôi luôn cố gắng áp dụng nhiều phương pháp để truyền cảm hứng cho học sinh, để các con cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Dẫu biết rằng nghề giáo còn lắm gian nan, dẫu biết rằng sự nghiệp giáo dục không hề đơn giản nhưng tôi sẽ cố gắng để bước trên con đường đầy chông gai này. Bởi có nghề nào cao quý hơn nghề giáo ! Nghề giáo của thầy tôi, của tôi và của biết bao người lái đò thầm lặng đang theo đuổi tuy có giản đơn nhưng vẫn vinh quang và rất đỗi tự hào !
Thay lời muốn nói, chúng tôi – những thế hệ học sinh trường THCS Nam Hồng – THPT Chu Văn An xin dành tặng những lời đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất để tưởng nhớ, tri ân công lao dạy dỗ, sự cống hiến, hi sinh thầm lặng của một tấm gương đạo đức nhà giáo mẫu mực như “Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê” :
Hôm nay con đến viếng thăm thầy
Gian nhà đơn ngập chìm trong khói mây
Tầng My thôn nhỏ đường xa vắng
Bỗng dưng tấp nập khách đó đây.
…Con nhớ thầy của chiều thu năm ấy
Thầy nhìn con, ánh mắt đong đầy
“Con gắng học, nghị lực lên nhé
Lịch sử sẽ vực dậy con ngay !”
(Facebook Trần Thu Trang)
Tái bút : Xin chân thành cảm ơn một số bài viết và hình ảnh của các thế hệ học sinh đăng trên facebook Lê Dũng ( tức thầy Lê Văn Dũng ) !
Một số hình ảnh về thầy Lê Văn Dũng
(Nguồn ảnh facebook)
Thầy cùng học trò tại trường THCS Nam Hồng
Một kỉ niệm tại trường THCS Nam Hồng
Buổi giao lưu trực tiếp với tiền vệ Nguyễn Quang Hải tại THPT Chu Văn An
( năm 2018 )
Lễ sơ kết học kì I tại THPT Chu Văn An ( năm 2012 )
Buổi gặp mặt đoàn học sinh tham dự kì thi học sinh giỏi Quốc gia ( năm 2007 )
Mừng sinh nhật thầy ( Pa pa Chôm Chôm )