Các cô lao công là những con người bình thường với những công việc bé nhỏ và thầm lặng. Nhưng cũng chính họ là những người góp phần vô cùng to lớn vào việc giáo dục cho học sinh những bài học quý giá về tính cần cù, chịu khó, yêu lao động, mà lao động lại giúp cho học sinh có thể phát triển toàn diện. Ngoài ra công việc của họ còn giúp các em nhận thức được ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường. Bởi vì bảo vệ môi trường đang là vấn đề toàn cầu và cấp thiết của xã hội. Việc các em có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi sẽ góp phần xây dựng môi trường “sáng - xanh – sạch – đẹp” trong nhà trường và trong xã hội.
Đến với mỗi một ngôi trường ngoài sự khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất thì cảm nhận đầu tiên về ngôi trường ấy chính là sự sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng từ sân trường đến các phòng học. Những hàng cây xanh, những bồn hoa, thảm cỏ xanh – sạch – đẹp sẽ là những ấn tượng đẹp trong lòng mỗi giáo viên, học sinh. Để có được điều đó thì phải kể đến công rất lớn của những người lao công làm công tác vệ sinh môi trường. Đó là cô Thuấn và cô Hạnh. Cô Thuấn năm nay đã 44 tuổi, quê cô ở Thái Bình. Sinh ra trong một gia đình bố là thương binh, mẹ bị bệnh mất sức lao động. Gia đình có 4 chị em, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà cô phải nghỉ học sớm mới chỉ học hết cấp 2. Cô đã phải bươn trải cuộc sống vào Nam ra Bắc, rồi lên Hà Nội giúp việc sau đó được giới thiệu về trường làm lao công từ năm 2006 đến nay. Còn cô Hạnh năm nay cô 41 tuổi quê ở Hưng Yên, gia đình cũng thuộc diện khó khăn cô đã được vào trường làm đến nay đã 18 năm rồi. Công việc tuy vất vả mức lương bình thường cũng chỉ đủ tiền thuê nhà và sinh hoạt nhưng cô vẫn chăm chỉ, có trách nhiệm và tận tụy với công việc.
Những sớm mai đến trường, hình ảnh mà tôi gặp đầu tiên đó là hai cô lao công đang kéo xe rác đi xung quanh sân trường để quét rác, nhặt những vỏ kẹo, bim bim hay những trai nước mà học sinh vứt ra. Lúc thì thấy các cô đang tưới tắm, chăm sóc bồn hoa, lúc lại thấy các cô đang dọn dẹp khu vực nhà vệ sinh, rồi nhà để xe… Thời gian cứ thế trôi qua, nhìn khuôn viên nhà trường bỗng chốc trở lên gọn gàng và sạch sẽ. Thế nhưng khi chiều muộn, học sinh tan học thì nào ngoài sân, nào hành lang và góc lớp lại đầy ắp những rác nào là vỏ bim bim, vỏ kẹo, chai nước, giấy vụn mà các em học sinh vô ý vứt ra. Khi sân trường trở lên im ắng thì chỉ nghe có tiếng quét loạt soạt quét rác của hai cô lao công. Nghĩ mà thấy thương hai cô vô cùng, bao nỗi gian truân lặng thầm có ai thấu hiểu? Tôi thật sự nghĩ sẽ là một sự vô cảm nếu mỗi chúng ta chất thêm nỗi nhọc nhằn lên đôi vai của họ khi thiếu ý thức trong giữ gìn vệ sinh trường lớp.
Hai cô từng chia sẻ với tôi rằng, hầu hết các bạn học sinh trong trường đều có ý thức tốt trong việc giữ gìn vệ sinh và cũng ngoan ngoãn, lễ phép khi tiếp xúc với những người làm công việc dọn vệ sinh như các cô. Song, cũng có đôi lần, người lao công vất vả ấy cảm thấy tủi thân do có học sinh chưa ý thức được hành động của mình. Nhưng ngày hôm sau, hình như các bạn ấy cũng đã biết ý thức hơn, khi có giấy, rác thì đã không vứt ra hành lang nữa mà mang đến bỏ vào thùng rác.
Hai cô được rất nhiều học sinh và thầy cô giáo trong trường quý mến. Mỗi khi thấy học sinh vất rác bừa bãi hai cô cũng nhẹ nhàng gọi ra nhắc nhở, hay khi bắt gặp học sinh lấy đồ của bạn hoặc nhặt được đồ của bạn khác cô cũng gọi ra nhẹ nhàng khuyên nhủ để em học sinh đó trả lại đồ cho bạn. Những hành động và thái độ của các cô đã được các em học sinh trân trọng và quý mến. Các cô không chỉ dạy ta về tính cần cù, tinh thần yêu lao động mà những cô lao công còn cho ta bài học nhân cách làm người sống trung thực và một thái độ nhân ái “mình vì mọi người”.
Giờ làm việc của hai cô bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào lúc tối muộn nhưng các cô không nề hà công việc nặng nhọc hay giờ giấc. Dù cho thời tiết có mưa nắng khắc nghiệt thế nào thì hai cô giống như chiếc đồng hồ quay đúng giờ, luôn có mặt để làm đẹp cho trường. Hình ảnh hai cô lặng lẽ lau chùi từng căn phòng, từ phòng hành chính sang phòng hội đồng và các lớp học khiến cho chúng tôi thật cảm động. Hôm nào cũng vậy hai cô thường đến sớm hơn mọi người, lặng lẽ lau chùi ở các căn phòng, đun nước pha trà sẵn…. rồi mới đi làm các công việc thường nhật của mình, hai cô cũng là người ra về muộn nhất. Phải chăng người hiểu rõ ngôi trường này chính là hai cô. Hai cô nhớ từng gốc cây, hòn sỏi và lối mòn, từng ô cửa, hay từng viên gạch. Viên nào vỡ hay cửa nào hỏng là hai cô liền kịp thời báo cáo nhà trường đề sửa chữa ngay.
Mỗi khi nghĩ về hai cô lao công, tôi lại có một mong ước nho nhỏ rằng khi bình minh 1 ngày mới bắt đầu, được bước trên sân trường sạch sẽ, được tận hưởng cảm giác trong lành mát mẻ của buổi sớm mai. Xin ai đó đừng vô tâm thản nhiên coi đó như điều mình được hưởng. Xin ai đó đừng vô tâm xả rác. Hãy nhớ rằng đằng sau đó là nỗi vất vả thầm lặng của những người lao công đang ngày đêm giữ gìn vệ sinh môi trường. Một chút ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh cũng đồng nghĩa với chúng ta đã nói được lời yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia đến những người lao công. Hai cô chính là tấm gương sáng trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, quản lý tốt” ngành Giáo dục và Đào tạo Quận Long Biên 2017.