Họa sĩ minh họa Murata Kensuke, với bút danh Muraken, đã dùng chính những trải nghiệm của mình khi sống ở Việt Nam để vẽ nên những câu chuyện trong tập truyện Ông chú người Nhật trên đất Việt Nam.
Những câu chuyện ngắn trong cuốn truyện kể lại những điều về Việt Nam, từ ẩm thực đến con người, có cả ưu điểm và khuyết điểm… từ góc nhìn của một người Nhật Bản. Có những chuyện thấy thật quen thuộc, như bánh mì hay món phở rất ngon, áo dài rất đẹp; nhưng cũng có những chuyện chính độc giả Việt cũng phải ồ lên vì “Bụt chùa nhà không thiêng” như trái cây ở xứ mình thiệt ngon mà rẻ, lại phong phú đa dạng.
Độc giả sẽ thấy đồng cảm với Muraken với những câu chuyện về hàng xóm hát karaoke, hay bật cười “thấy cũng tội mà thôi cũng kệ” khi “ông chú người Nhật” ngỡ ngàng đi kiếm hàng quán ăn uống… ngày Tết âm lịch.
Qua những mẩu chuyện ấy, độc giả Việt sẽ thấy vừa thân quen vừa lạ lẫm với chính đất nước mình, đồng thời thấy thương yêu Việt Nam với tất cả những ưu điểm và khuyết điểm. Như chính họa sĩ Muraken đã yêu mến Việt Nam.
Bên cạnh ghi chép lại những câu chuyện về Việt Nam, tác giả Muraken còn chia sẻ một số chuyện về Nhật Bản như cách chào hỏi, cảnh sắc bốn mùa; so sánh một số điểm giống và khác biệt về văn hóa hai nước như giờ làm việc, thói quen “cao su” giờ hẹn... Những chia sẻ không chỉ thú vị và bổ ích mà còn thực tiễn, có thể trở thành một vài gạch đầu dòng lưu ý cho những độc giả đang hoặc có ý định học tập ở môi trường văn hóa mới.
Ông chú người Nhật trên đất Việt Nam có một điểm thú vị là cuốn truyện được in màu sinh động và trình bày với hình thức song ngữ Việt - Nhật. Không chỉ để đọc giải trí, cuốn truyện cũng có thể dùng như một cẩm nang luyện thêm ngoại ngữ cho những độc giả có nhu cầu.