1. Cuốn sách dày nhất
Đó là cuốn Wikipedia với 5000 trang và dày 47,5cm. Cuốn sách này được tạo ra bởi Rob Matthews, bao gồm các bài viết trên trang Wikipedia mà Rob Matthews đã tóm tắt giản lược đi. Lý do mà ông đưa ra cho việc này khá đơn giản: Ông muốn tạo ra một cuốn Wikipedia khác với trang Wikipedia trên mạng bởi lẽ ông cho rằng tính mở của trang web này khiến cho các thông tin có trên đó không tập trung, người đọc khó tiếp cận được các vấn đề cốt lõi.
Mặc dù cuốn sách dày như vậy nhưng nó mới chỉ chứa 0,01% so với toàn bộ thông tin trên trang Wikipedia. Bạn có thể tưởng tượng được độ dày của cuốn sách sẽ ra sao nếu in toàn bộ thông tin có trên trang Wikipedia?
2. Cuốn sách nhỏ nhất
Teeny Ted from Turnip Town được coi là cuốn sách nhỏ nhất thế giới do các nhà nghiên cứu Canada tìm ra. Cuốn sách là một câu chuyện cổ tích kể về cuộc thi tài giữa các củ cải với nhau, có chiều rộng 0,07 mm và chiều dài 0,10 mm. Để in được cuốn sách này người ta phải sử dụng một chùm tia gali-lon hội tụ chiếu vào khoảng trống từng chữ cái trên những mảnh silin kính trắng và để đọc được nó bạn phải dùng đến kính hiển vi.
Cuốn sách này nhỏ hơn cả hai cuốn từng được ghi nhận kỷ lục Guiness: một bản copy Kinh Tân Ước của vua James Bible, được làm vào năm 2001 và tác phẩm Chameleon của Anton Chekhov, được xuất bản vào năm 2002.
3. Cuốn sách lớn nhất
Cuốn sách This is Mohamed (Nhà tiên tri Mohamed) với kích thước 5m x 8,06m, nặng 1500kg, dày 429 trang đã trở thành cuốn sách lớn nhất thế giới, vượt qua cuốn sách ảnh Beirut’s Memory (Ký ức về Beirut – dày 304 trang, kích thước 3,85m X 2,77m và nặng 1060kg của tác giả Ayman Trawi) để ghi danh vào kỷ lục Guinness.
Nhà tiên tri Mohamed là cuốn sách tập hợp các câu chuyện xung quanh cuộc đời và thành tựu của nhà tiên tri Hồi giáo nổi tiếng Mohamed, đồng thời qua đó cũng thể hiện những ảnh hưởng tích cực của Hồi giáo đối với nhân loại và thế giới.
4. Cuốn sách cổ nhất
Cuốn sách mang tên Diamond Sutra (Kinh Kim Cang) – có từ năm 868 sau Công nguyên được xem là bản in cổ nhất còn tồn tại trên thế giới, hiện được trưng bày tại thư viện Anh Quốc ở Luân Đôn.
Cuốn sách được tìm thấy bởi nhà khảo cổ, nhà thám hiểm người Anh gốc Hungary Marc Aurel Stein vào năm 1907 trong một hang động có tường bao quanh ở Đôn Hoàng, Tây Bắc Trung Quốc. Cuốn sách này thật ra là một cuộn giấy được quấn quanh một cái cọc gỗ, thể hiện nội dung Kinh Kim Cang bằng các mẫu tự Trung Quốc.
Mặc dù có những hiện vật và bản viết tay khác được tìm thấy trong hang động, nhưng Kinh Kim Cang là quyển sách in có từ lâu đời nhất chịu đựng được yếu tố thời gian.
5. Cuốn sách màu cổ nhất
Cuốn sách có tựa đề Hướng dẫn nghệ thuật thư pháp và hội họa được xem là cuốn sách màu cổ nhất thế giới.
Được viết vào năm 1633 và là tác phẩm cổ nhất được in bằng phương pháp khắc gỗ nhiều màu, đó là phát minh của Hu Zhengyan. Kỹ thuật này sử dụng nhiều khối gỗ in khác nhau, được in theo thứ tự với nhiều loại mực in để đạt được vẻ ngoài của một bức tranh màu nước vẽ tay.
Cuốn sách chia làm 8 đề mục, cho thấy hình ảnh chim chóc, hoa lan, tre trúc, hoa quả… Tất cả mọi đề mục của sách đều được giữ nguyên bằng gáy sách bươm bướm, một phương pháp đóng sách được phát triển từ 2.000 năm trước.
6. Cuốn sách bí ẩn nhất
Cuốn sách bí ẩn nhất mà đến nay các nhà khoa học cũng như ngôn ngữ vẫn chưa thể giải mã được chính là Mật mã Voynich có từ thời Trung Cổ. Hiện đang được lưu trữ tại Đại học Yale với ký hiệu MS 408.
Cuốn sách bằng giấy da này được tìm thấy vào năm 1912 bởi viên quản thư Wilfrid Voynich. Bên trong chứa nhiều hình vẽ về thiên văn, chiêm tinh, vũ trụ cùng các loài cây cối và sinh vật kì lạ… Nó là một văn kiện viết tay được mã hóa bằng một hệ thống ngôn ngữ và kí tự chưa từng được biết đến trong lịch sử nhân loại.
Các nhà nghiên cứu đã cố tìm cách giải mã cuốn sách này trong nhiều năm nhưng đều không đạt được kết quả khả quan. Đến năm 2014, Stephen Bax, một giáo sư đang giảng dạy bộ môn Ngôn ngữ học ứng dụng tại trường Đại học Bedfordshire (Anh), công bố ông đã xác định được 14 ký tự trong bộ chữ cái được dùng để viết nên bản thảo Voynich, qua đó đã bắt đầu đọc được một vài từ đầu tiên. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này vẫn chưa được giới chuyên môn kiểm chứng và xác nhận chính thức.
7. Cuốn sách có giá đắt nhất
Vào năm 1994, tỷ phú Mỹ Bill Gates đã mua cuốn sách Codex Leicester trong một phiên bán đấu giá với mức giá 30,8 triệu USD, biến nó thành cuốn sách đắt giá nhất thế giới.
Codex Leicerster là tác phẩm của Leonardo da Vinci, được viết vào khoảng năm 1508, là một trong 30 cuốn ghi chép trong suốt cuộc đời của ông. Cuốn sổ gồm 72 trang giấy bằng vải lanh với hơn 300 ghi chú và các bản vẽ chi tiết, hầu hết các ghi chú đều liên quan đến đề tài nghiên cứu nước và chuyển động của nước. Các ghi chép trong cuốn sổ cũng giải thích vì sao các hóa thạch lại hay được tìm thấy tại những vùng núi, lý do tại sao các hóa thạch hình thành, và tại sao Mặt trăng lại phát ra ánh sáng… thể hiện với văn phong lôi cuốn và đậm chất nghệ thuật.
Trong số 30 công trình khoa học của Leonardo da Vinci thì cuốn sách Codex Leicester là nổi tiếng hơn cả.