Đôi mắt không chỉ là một bộ phận trên cơ thể giúp bạn thuận tiện hơn trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn là nơi thể hiện cảm xúc và tình cảm với mọi người xung quanh. Nếu muốn chăm sóc “cửa sổ tâm hồn” của mình tốt hơn, bạn nên tập cách bảo vệ mắt bằng những thói quen đơn giản sau đây nhé:
Ngồi đúng tư thế: Nên chọn ghế ngồi và bàn học có thể điều chỉnh được độ cao, ghế có tựa lưng và có thể điều chỉnh được. Ngồi học trong tư thế đầu và lưng thẳng (không nghiêng hay cúi đầu), vai xuôi, chân hơi duỗi tạo góc giữa cẳng chân và đùi. Khi ngồi trước máy tính, trẻ nên ngồi thẳng lưng, vai hóp lại và mông chạm vào cuối ghế. Không ngồi khoanh chân vì điều này sẽ làm hạn chế lưu lượng máu. Bên cạnh đó, cự ly sử dụng màn hình nên cách xa khoảng 50-80cm so với mắt. Ngoài ra, bố mẹ cần chú ý bàn ghế ngồi học của con. Ngồi quá thấp so với bàn học và máy tính sẽ khiến trẻ nhanh bị mỏi mắt.
Đặt màn hình máy tính đúng vị trí: Khi đặt màn hình máy tính sai vị trí, dẫn đến tư thế làm việc không phù hợp và dễ gây mệt mỏi. Cần lưu ý rằng, sự khó chịu do màn hình đặt quá cao khiến cho cằm hướng lên trên trong quá trình làm việc sẽ tệ hơn so với khi đặt màn hình hơi quá thấp, vì vậy cần chú ý đặt chiều cao của màn hình phù hợp. Khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính trong khoảng từ 40-74cm, có thể kiểm tra khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính bằng chiều dài của một cánh tay là phù hợp.
Thời gian ngồi học hợp lý: Cho dù tư thế ngồi đúng, vị trí màn hình máy tính phù hợp thì việc ngồi trong thời gian dài sẽ bất lợi cho sức khỏe, gây nên những rối loạn bệnh lý. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi làm việc với máy tính dẫn đến làm giảm tần suất chớp mắt, điều đó dẫn tới triệu chứng khô mắt. Trong điều kiện bình thường, tần suất chớp mắt trung bình của con người vào khoảng 15-20 lần/phút, và giảm xuống còn 5-7 lần/phút khi làm việc với màn hình máy tính và các thiết bị điện tử. Vì vậy, không nên ngồi quá lâu với máy tính mà nên có khoảng thời gian để mắt nghỉ ngơi.
Điều kiện ánh sáng đảm bảo: Điều kiện ánh sáng quá thấp, sẽ khiến cho mắt bị ảnh hưởng, thiếu ánh sáng khi học tập và làm việc dẫn đến mắt phải điều tiết nhiều dẫn tới nhanh mệt mỏi và gây nên các rối loạn về thị giác. Cần điều chỉnh độ sáng và độ tương phản màn hình sao cho font chữ và hình ảnh trên màn hình dễ nhìn thấy nhất, không nên để độ sáng màn hình quá cao, dẫn đến chói mắt và nhức mắt khi làm việc.
Bổ sung các thực phẩm tốt cho mắt: Các vitamin có vai trò quan trọng giúp cho mắt sáng, tuy nhiên cơ thể không tự tổng hợp được mà cần bổ sung từ nguồn thực phẩm có trong thức ăn hàng ngày. Cần lưu ý bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, B, C, D, E và các yếu tố vi lượng như kẽm sẽ giúp cho mắt thêm sáng.
Những lưu ý khi trẻ học online với máy tính
Thực hiện quy tắc 20/20/20: Bố mẹ nên hướng dẫn con thực hiện quy tắc 20/20/20, tức là sau 20 phút ngồi trước máy tính, hãy nhìn vào một vật nào đó trong 20 giây ở khoảng cách 20 feet (6,1m). Việc này sẽ giúp mắt và hệ thần kinh được thư giãn, ngăn mắt không bị tổn thương.
Chớp mắt thường xuyên: Ngoài quy tắc trên, hành động chớp mắt thường xuyên cũng rất quan trọng khi ngồi lâu trước máy tính. Chớp mắt một cách chậm rãi có thể giúp ngăn ngừa chứng khô mắt.
Giữ màn hình sạch sẽ: Thường xuyên vệ sinh, lau chùi bằng các dung dịch chuyên dụng để giữ cho màn hình máy tính được sạch sẽ, tránh bụi bẩn bay vào mắt khi tiếp xúc gần.
Tận dụng ánh sáng tự nhiên: Để giảm tiếp xúc, phụ huynh không thể đưa trẻ ra ngoài hoạt động vui chơi. Khuyến khích các gia đình tận dụng tối đa môi trường xung quanh nhà để trẻ được hấp thụ ánh sáng tự nhiên cho mắt, bằng cách ngồi học trước cửa sổ, hoặc giải lao ở sân vườn hoặc ban công trong nhà.
Bảo vệ mắt khi ngủ: Nên hạn chế ánh sáng tối đa bởi vì ánh sáng kích thích thị giác, tạo hưng phấn vỏ não gây khó ngủ. Nên mở cửa sổ cho thông thoáng vì lúc ngủ mắt cũng cần oxy để “thở”.
Bố mẹ nên thường xuyên đưa con đi kiểm tra thị lực nhé!