Bây giờ có rất nhiều trường học, nhiều hình thức giáo dục, đào tạo để các em có thể lựa chọn. Điều quan trọng là ý thức nhập cuộc, kỹ năng tiếp cận của học sinh như thế nào, chứ không phải cứ nhất nhất hướng học sinh vào trường tốt, ngành nghề tốt mới là đảm bảo tương lai tốt.
Cũng chưa hẳn một đứa trẻ có thành tích học tập tốt sẽ có tương lai tốt sau này. Đành rằng một hành trang cho tương lai phải bắt đầu được tích lũy ngay từ vạch xuất phát. Nhưng nếu như không có một nền tảng tốt thì học sinh vẫn có thể bổ sung sau này. Học tập là một quá trình rèn luyện, phấn đấu của bản thân chứ không hẳn chỉ là sự nhồi nhét nhất thời. Ngay cả những người không được đào tạo ở môi trường tốt vẫn thành công, vì họ có ý thức tự đề cao tinh thần tự học.
Khát vọng con cái trưởng thành, có thành tích học tập tốt là chính đáng. Nhưng khát vọng ấy cần phải được đặt trong một chỉnh thể thống nhất căn cứ trên khả năng, điều kiện, hoàn cảnh của học sinh và từng gia đình. Không nhất thiết rằng con người khác làm được thì con mình cũng phải làm được.
Những cái chết đau lòng cùng những đứa trẻ trở nên cô đơn trốn chạy gia đình, bị sang chấn tâm lý, là điều đáng tiếc cho bản thân chúng, nhưng là bài học lớn cho xã hội. Điều đó cần được phụ huynh soi chiếu, liên hệ.
Trên nhiều diễn đàn những ngày qua phụ huynh đang thảo luận sôi nổi về cách ứng xử như thế nào với con cái sau cái chết đau lòng của một học sinh trung học. Hy vọng phụ huynh đã nhận ra rằng áp lực là con dao hai lưỡi, nếu sử dụng không đúng cách sẽ giết chết chính con mình.
Những học sinh cuối cấp đang chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, vào đại học. Chờ đợi thành tích tốt, nhưng đừng đặt lên lưng các em một áp lực theo kiểu buộc phải “hóa rồng”. Không trở thành “rồng” chúng vẫn còn cơ hội ở những lần vượt “vũ môn” khác cơ mà.