Cuối năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, chia làm hai giai đoạn gồm Giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 và Giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12. Chương trình này triển khai từ năm học 2022-2023, sẽ thay thế chương trình hiện hành đã áp dụng từ 2006.
Ở chương trình hiện hành, học sinh phải học 17 môn và hoạt động giáo dục (tính cả môn tự chọn là 18). Còn với chương trình mới, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình. Cụ thể, ở chương trình mới, các em phải học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Đối với các môn học tự chọn, học sinh chọn năm môn khác từ ba nhóm môn: Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật. Mỗi nhóm môn phải chọn ít nhất 1 môn.
Đây là điểm mới hoàn toàn so với hiện tại và có định hướng nghề nghiệp rất cao. Và theo đúng lý thuyết, nếu để học sinh tự lựa chọn sẽ có 108 cách chọn năm môn này. Cũng có thể một số môn rơi vào tình trạng ít được các em trong cùng một trường lựa chọn.
Ngoài ra học sinh phải lựa chọn ba cụm chuyên đề sao cho phù hợp với nguyện vọng bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường cũng là điểm khác biệt. Cụ thể mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề tạo thành cụm chuyên đề của môn học, nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng kiến thức và kỹ năng thực hành để giải quyết các vấn đề thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Bên cạnh những môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và lựa chọn trên, chương trình có hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Dù học sinh được lựa chọn môn học, chương trình mới cho phép các trường xây dựng tổ hợp môn học từ ba nhóm môn và chuyên đề nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường.
Về thời lượng giáo dục, mỗi ngày học sinh sẽ học một buổi, mỗi buổi không quá năm tiết, mỗi tiết 45 phút, tương tự hiện nay. Tuy nhiên, chương trình mới cũng khuyến khích các trường dạy học hai buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ. Học sinh sẽ học 29 tiết mỗi tuần trong năm lớp 10, thấp hơn mức 29,5+ theo chương trình hiện hành.
Liên quan đến chương trình mới có ý kiến từ một số trường THPT cho rằng: Nếu theo cách chọn các môn học lựa chọn thì như thống kê mới đây sẽ có hơn 80 tổ hợp môn lựa chọn. Điều này dễ khiến phụ huynh, học sinh hoang mang lo lắng, thậm chí ngay cả nhiều người làm giáo dục cũng hoang mang không kém.
Đặc biệt cứ như chương trình này thì từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ không phải học Lịch sử hay Hóa học, Sinh học... nếu không muốn, song lại có thể chọn thêm nhiều môn học khác là Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Tuy nhiên ví dụ một học sinh không chọn môn Lịch sử thì sao đúng là người Việt Nam? Các nước trên thế giới đều đề cao môn Lịch sử nhưng khi chương trình lại đưa môn này vào tự chọn thì khó. Như vậy sẽ phải giáo dục lòng yêu nước, cội nguồn dân tộc, lịch sử đất nước, quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta như thế nào nếu học sinh không chọn môn học.
Ngoài ra đối với chương trình mới nếu công tác tư vấn không tốt cũng gây lãng phí sách giáo khoa bởi thói quen của phụ huynh là mua cả bộ sách về nhưng rồi sẽ có những môn không học.