Những người làm cha làm mẹ đều mong muốn hiểu được nguyện vọng và mong muốn của con cái. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp phù hợp, bất đồng giữa con và bố mẹ sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Chính vì vậy, không ít các bậc phụ huynh băn khoăn “Cha mẹ nên làm gì để thấu hiểu con cái?”.
Thực tế, để thấu hiểu được con trẻ, bố mẹ cần có sự mềm mỏng và linh hoạt tùy theo hoàn cảnh, độ tuổi và tâm lý của con. Nếu đang trăn trở về vấn đề này, bố mẹ có thể thấu hiểu con thông qua một số biện pháp sau đây:
1. Luôn lắng nghe con trẻ
Dù ở độ tuổi nào, con trẻ cũng có nhu cầu được lắng nghe. Những việc mà con phải đối mặt có thể không quan trọng với bố mẹ nhưng đối với trẻ lại là vấn đề khác. Chính vì vậy, bố mẹ muốn thấu hiểu được con cái phải tập thói quen lắng nghe.
Luôn lắng nghe là một trong những cách giúp cha mẹ thấu hiểu con cái
Khi bắt đầu đến trường, thay đổi môi trường mới, kết bạn,… trẻ đều muốn chia sẻ với những thành viên trong gia đình. Bố mẹ nên tập trung lắng nghe và chia sẻ với những cảm xúc của con. Khi được lắng nghe, trẻ sẽ dễ dàng bày tỏ mong muốn và nguyện vọng của bản thân. Nhờ vậy, gia đình sẽ hiểu hơn về tâm lý, cách suy nghĩ và cảm xúc của con cái.
2. Dành nhiều thời gian bên cạnh con cái
Để thấu hiểu được con cái, bố mẹ cần dành nhiều thời gian bên cạnh con. Khi có bố mẹ ở bên cạnh, trẻ sẽ có cảm giác an tâm và luôn xem gia đình là chỗ dựa tinh thần. Ngược lại, nếu bố mẹ quá bận rộn, con cái sẽ có xu hướng sống xa cách và tách biệt.
Nếu công việc bận rộn, bố mẹ nên dành thời gian cuối tuần cho con cái. Khoảng thời gian tuy không dài nhưng cũng sẽ giúp con cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu thương từ bố mẹ. Hơn nữa khi ở cạnh con, bố mẹ cũng sẽ hiểu hơn sở thích, mong muốn và nhu cầu của trẻ. Ngoài ra khi bố mẹ dành nhiều thời gian cho con cái, trẻ sẽ ý thức được ý nghĩa thiêng liêng của gia đình và nỗ lực hơn trong quá trình học tập để làm vui lòng bố mẹ.
3. Đặt mình vào vị trí của trẻ
Con trẻ khó có thể hiểu được mục đích trong lời nói và hành động của người lớn. Để trẻ hiểu hơn về cuộc sống, bố mẹ cần mềm mỏng và đưa ra lời giải thích khách quan, đúng đắn. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh giáo dục con bằng uy quyền và áp đặt con cái nghe lời một cách vô lý.
Vai trò của bố mẹ là giúp trẻ đánh giá mức độ đúng đắn của những vấn đề trong cuộc sống, biết nên làm gì và không nên làm gì. Thay vì áp đặt, hãy đặt mình vào vị trí của con để hiểu rõ vì sao con lại có suy nghĩ như vậy. Khi thấu hiểu được con cái, bố mẹ sẽ có cách ứng xử phù hợp và giúp con thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đồng thời xây dựng được mối quan hệ đáng tin cậy và thân thiết giữa con với gia đình.
4. Chú ý đến sở thích, mong muốn của con
Việc quan tâm đến sở thích, mong muốn của con sẽ giúp bố mẹ xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy. Bên cạnh đó, thông qua mong muốn của con cái, bố mẹ cũng hiểu được rằng con thực sự cần gì ở gia đình và hiểu rõ định hướng tương lai của con.
Trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên ít nhiều sẽ khó tránh khỏi những suy nghĩ sai lệch và khác xa với thực tế. Nếu chú ý đến mong muốn của con trẻ, bố mẹ sẽ phát hiện sớm tình trạng này và có những can thiệp phù hợp để điều chỉnh suy nghĩ của con.
Nhiều phụ huynh quy chụp con cái hư hỏng khi có những suy nghĩ kì lạ và sai lệch. Tuy nhiên, trẻ hoàn toàn không ý thức hết được suy nghĩ và hành vi của mình. Do đó, gia đình phải luôn luôn lắng nghe và chú ý đến mong muốn của con để kịp thời điều chỉnh. Rất nhiều trẻ mang theo quan niệm thiếu thực tế khi bước vào tuổi trưởng thành do gia đình thiếu sự quan tâm và chia sẻ.
5. Khích lệ và động viên trẻ
Khích lệ và động viên trẻ là cách giúp cha mẹ hiểu hơn về con cái. Thay vì tạo áp lực nặng nề, bố mẹ nên có những lời nói động viên, khích lệ tinh thần để trẻ nỗ lực học tập và điều chỉnh những thói quen xấu.
Ngoài những lời nói khích lệ đơn thuần, bố mẹ cũng có thể tạo động lực cho con bằng những câu chuyện truyền cảm hứng. Thông qua cuộc trò chuyện với gia đình, trẻ sẽ hiểu hơn ý nghĩa của cuộc sống và mục đích thực sự của việc học.
Khi con trẻ đạt kết quả thấp, nên trò chuyện để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu do trẻ lười biếng, nên nghiêm khắc yêu cầu trẻ chỉnh đốn lại thái độ học tập và giảm thiểu thời gian vui chơi. Ngoài ra, nên lắng nghe để biết trẻ gặp khó khăn trong vấn đề gì và tìm ra giải pháp phù hợp.
6. Kiểm soát cơn nóng giận và trách mắng trẻ chừng mực
Trong quá trình nuôi dạy con cái, bố mẹ sẽ gặp phải không ít vấn đề. Đôi khi, trẻ liên tục phạm lỗi và có những hành vi khó chấp nhận khiến cha mẹ nổi nóng, tức giận. Tuy nhiên, phụ huynh cần học cách kiểm soát cơn giận đối với con cái để tránh những lời nói và hành động làm tổn thương con sâu sắc.
Nếu trẻ phạm lỗi, bố mẹ nên trách mắng để con ý thức được mức độ và hậu quả từ hành vi của bản thân. Tuy nhiên, cần trách mắng con có chừng mực và phải kiểm soát cơn giận khi đối mặt với con. Tránh tình trạng chì chiết, đay nghiến ngày qua ngày khiến tinh thần của con bị suy giảm, trẻ dễ bị stress, kém tập trung và lơ đễnh khi học tập.
Khi nhận thấy bố mẹ kiểm soát cơn giận với chính mình, trẻ sẽ học cách quản lý những cảm xúc tiêu cực và có ý thức hơn trong lời nói, hành vi. Ngoài ra, thông qua điều này, trẻ cũng sẽ học cách thấu hiểu bố mẹ và mạnh dạn bày tỏ những mong muốn của bản thân.
7. Quan sát cảm xúc của trẻ
Ngoài những cách trên, bố mẹ cũng có thể thấu hiểu con cái bằng cách quan sát cảm xúc của trẻ. Trẻ chưa biết cách kiểm soát biểu cảm khuôn mặt dù không thể hiện cảm xúc qua lời nói và hành động. Do đó, bố mẹ có thể quan sát cảm xúc của con để thấu hiểu tâm tư của con cái.
Nếu tinh tế, gia đình sẽ phát hiện kịp thời việc trẻ bị bắt nạt, tẩy chay, cô lập và nhận thấy rõ sự khó chịu của trẻ với một số hành động của bố mẹ. Giữa cha mẹ và con cái luôn tồn tại khoảng cách nhất định. Vì vậy, trẻ có thể che giấu cảm xúc và những vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Vai trò của bố mẹ là tìm cách thấu hiểu và giúp đỡ con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
8. Trò chuyện với bạn bè của con
Một số trẻ có tính cách nhút nhát, ít nói sẽ hiếm khi chia sẻ với bố mẹ dù gia đình đã nỗ lực kéo gần khoảng cách. Trong trường hợp này, mẹ có thể trò chuyện với bạn bè của con. Tuy nhiên, cần phải khéo léo trong câu từ để tránh sự nhạy cảm quá mức của trẻ và người bạn của con.
Nếu có thể, mẹ cũng có thể tạo mối quan hệ thân thiết với bạn bè của con để hiểu hơn về tâm lý chung của trẻ ở lứa tuổi này. Thay vì ép buộc con phải nói ra những gì bố mẹ yêu cầu, việc xây dựng mối quan hệ với bạn bè của trẻ sẽ giúp bố mẹ hiểu hơn về tâm lý và những vấn đề con đang gặp phải.
9. Trang bị kiến thức về việc giáo dục con cái
Tâm lý của trẻ có sự thay đổi tùy theo độ tuổi. Do đó, bố mẹ rất khó có thể hiểu hết cảm nhận và suy nghĩ của con. Ngoài những biện pháp trên, gia đình cũng cần trang bị kiến thức về việc giáo dục con cái thông qua sách báo, các chương trình truyền hình, trò chuyện với người có kinh nghiệm,…
Hiện nay, nhiều gia đình đang phải đối mặt với bất đồng sâu sắc giữa cha mẹ và con cái dù đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong trường hợp này, bố mẹ có thể tham vấn tâm lý để nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia. Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp bố mẹ hiểu rõ cảm xúc, mong muốn và cảm nhận của con. Qua đó có thể điều chỉnh lời nói, hành động và dễ dàng giải quyết mâu thuẫn với con cái.