Trong giáo dục phổ thông, môn lịch sử có vai trò quan trọng trong việc khơi nguồn, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh và tư duy của con người. Bác Hồ kính yêu từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Do vậy, dạy lịch sử không chỉ giúp học sinh nắm được lịch sử hình thành của một quốc gia, dân tộc mà còn hình thành ở các em lòng biết ơn, niềm tự hào, tình yêu đối với quê hương, đất nước mình qua các tiết học về lịch sử địa phương.
Thực hiện kế hoạch năm học 2018 – 2019, ngày 12/10/2018 trường THCS Ngọc Thụy đã tổ chức cho 470 học sinh khối 6 tham gia học tập lịch sử địa phương tại Đình Phúc Xá – Phường Ngọc Thụy và đền Trấn Vũ – Phường Thạch Bàn. Tại hai di tích lịch sử này, các em được làm lễ dâng hương, nghe thuyết minh về lịch sử của đình Phúc Xá và đền Trấn Vũ.
Các em học sinh ngồi nghe giới thiệu về lịch sử Đình Phúc Xá
Đình Phúc xá thuộc làng Phúc Xá nay là làng Bắc Biên. Làng vốn có nơi thờ riêng Thái Úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt - tức Ngô Tuấn Đại Tướng Quân. Lại có đền thờ Tướng Quân Đào Kỳ là anh hùng thời Hai Bà Trưng đuổi giặc Hán. Nhưng nhiều khi sông lở cát bay, lại bao phen chiến tranh giặc giã Đình Phúc Xá nhiều lần phải chuyển đi, dựng lại, mà đền miếu cũng khó tránh khỏi chuyện thiên di. Về sau bô Lão trong làng cũng như đồng dân đều nhất trí lấy đình làng là nơi thờ cả bẩy vị kể trên để toàn dân "đồng tôn hợp bái".
Nay nhờ sự quan tâm của lãnh đạo quận Long Biên, cũng nhờ ở lòng dân phường Ngọc Thụy một dạ hướng về cội nguồn, Đình Phúc Xá đã được dựng lại trên nền cũ từng bị giặc Pháp đốt phá. Ngôi Đình không chỉ là nơi an tọa của ba vị Đại Vương, hai vị Công Chúa, một vị Tướng Quân mà còn là nơi để mọi người chiêm bái một "Hiền Thần" của nước Nam ta: Lý Triều Thái Úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt!
Các em học sinh ngồi nghe giới thiệu về Đền Trấn Vũ
Đền Trấn Vũ được xây dựng trên thế đất Quy Xà hội tụ và nhìn về hướng Bắc. Trên đồng có gò đất nổi lên được coi là hình Rùa. Sau đền và chùa là đê sông Hồng, được coi là hình Rắn (hay Rồng). Cũng theo sự tích, thì Thần Trấn Vũ đã thu phục yêu Rắn và yêu Rùa, vì thế hình tượng Trấn Vũ có kèm hình Rắn quấn trên thanh kiếm Thất Tinh chống trên lưng Rùa. Theo một số nhà nghiên cứu thì Rắn và Rùa thuộc loài vẩy ráp, chủ về nguồn nước, lạnh, tà, âm. Trấn Vũ diệt yêu Rắn, yêu Rùa được coi là biểu tượng Thần chống lụt. Theo quan niệm Đạo giáo, thần Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiệm trấn giữ phương Bắc và biểu tượng cho mùa Đông.
Thần Huyền Thiên Trấn Vũ được thờ ở nhiều nơi, trên địa bàn Hà Nội có Trấn Vũ quán ở Quán Thánh (Ba Đình), Huyền Thiên Đại quán ở Thụy Lâm (Đông Anh) và Huyền Thiên Cổ quán ở phường Đồng Xuân…
Sự tích về Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiều dị bản khác nhau, trong đó, sự tích được ghi tại Đền Trấn Vũ, Thạch Bàn trên bia đá có nội dung tóm tắt như sau: Trải qua 4 lần giáng sinh và tu hành tại các nước khác nhau, Ngài đã đắc đạo và có công lớn trong việc diệt trừ yêu quái, giúp trời yên biển lặng, dân cư yên ổn, vạn vật sinh sôi. Ngài còn phù hộ việc phá giặc phương Bắc xâm lược, giúp nước, đỡ dân, công đức to lớn vô cùng. Từ thời Thục Phán An Dương Vương đến nay, các triều đại đều sắc phong cho ngài là Thượng đẳng thần, cấp đất đai, hương hỏa để phụng thờ.
Đền Trấn Vũ đã trải qua nhiều đợt tu sửa vào thế kỷ 17, 18 và 20 và đến thời Nguyễn thì được tu sửa và xây dựng lại hoàn toàn. Pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ là một trong 2 pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất hiện còn. Cùng với tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh Ba Đình, tượng Trấn Vũ ở Thạch Bàn là biểu hiện rực rỡ của nghệ thuật tạo tượng lớn và kỹ thuật siêu việt trong nghề đúc đồng cổ truyền. Đây là pho tượng đúc liền khối bằng đồng thau, mặt ngoài có sơn thếp. Tượng cao 3,8m; chu vi 8m; nặng 4 tấn. Tượng ở tư thế ngồi chân buông bệ, lưng thẳng, 2 đùi để hơi doãng, đầu đề trần, mặc áo Long bào đen có đai và 2 bàn chân không giầy, tay để trước ngực, xòe ngón trỏ trong tư thế ấn quyết, gươm Thất Tinh trong tay phải, mũi gươm chống trên lưng Rùa, mắt nhìn thẳng đầy nhãn lực.
Có thể nói, lịch sử dân tộc hay lịch sử địa phương đều dựng lại quá khứ về lòng yêu nước, về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước, ghi lại những nét văn hóa truyền thống, tinh thần nhân đạo sâu sắc của dân tộc Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển.
Buổi tham quan di tích lịch sử địa phương của học sinh khối 6 tại hai di tích lịch sử thực sự là những bài học quý báu, góp phần nuôi dưỡng, hun đúc trong các em niềm tin, ý chí và niềm tự hào của những người con của quận Long Biên nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung.
Một số hình ảnh trong buổi tham quan