Chùa Ngọc Lâm (Linh Quang tự) là di tích thuộc tổ 17, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Chùa còn được gọi theo tên Nôm của thôn là chùa Cầu Cá.
Thời nhà. Lê, Ngọc Lâm là một thôn cũ của xã Trường Lâm (tức Hoa Lâm sở); đến thời Thiệu Trị (1840 – 1847) đổi làm Trường Lâm sở; năm 1902, đặt là xã Ngọc Lâm trực thuộc tổng Gia Thụy; năm 1940 đổi lại là thôn Ngọc Lâm, nhập vào xã ái Mộ. Đến trước năm 1945, Ngọc Lâm thuộc xã Bồ Đề, tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau năm 1945, lập xã mới là xã Hồng Tiến thuộc quận 8, ngoại thành Hà Nội; năm 1961 thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội; năm 1964 gọi là xã Bồ Đề; từ năm 2003 thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.
Tên gọi Bồ Đề được xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV để chỉ vùng đất có 2 cây bồ đề cao ngang với tháp Báo Thiên ở Kinh thành Thăng Long. Mảnh đất này từ xa xưa đã được chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta, nhất là cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Sử cũ chép rằng: Khi bao vây quân xâm lược nhà Minh đóng trong thành Đông Quan, vào cuối năm 1427, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã đặt đại bản doanh tại Bồ Đề, lập các tầng lầu cao trên 2 cây bồ đề để quan sát giặc, vì thế nó được gọi là dinh Bồ Đề. Cùng với chiến thắng lẫy lừng quét sạch quân xâm lược nhà Minh, mảnh đất Bồ Đề đã đi vào lịch sử dân tộc ta. Sau khi giặc Minh rút về nước, Lê Lợi còn đặt triều đình nhà Lê ở Bồ Đề một thời gian, rồi mới tiến vào thành cũ. Về sau trên dinh cũ Bồ Đề, các triều đại nối tiếp khi thì xây dựng hành cung, khi thì cho xây đặt trạm dịch, hoặc đặt trạm binh... đều gọi tên là Bồ Đề. Đoạn sông Hồng chảy qua đây cũng gọi là sông Bồ Đề, bến nước Bồ Đề.
Vào các thế kỷ XVII – XVIII, bến Bồ Đề là một trong tám cảnh đẹp của đất Thăng Long. Có thể nói, Bồ Đề có vị trí chiến lược quan trọng, nơi địa đầu cửa ngõ phía bắc Thủ đô, nơi tiếp giáp giữa nội và ngoại thành, nơi có nhiều các di tích lịch sử với nhiều phong cảnh đẹp. Kế tục truyền thống yêu nước của tổ tiên, nhân dân Bồ Đề đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Giống như các ngôi chùa, đền, đình khác trong vùng, chùa Ngọc Lâm (Linh Quang tự) được khởi dựng sớm trong quy hoạch chung về kiến trúc tôn giáo của làng. Trải qua quá trình hưng thịnh rồi binh lửa, chùa Ngọc Lâm là một trong số những ngôi chùa, đình bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1969, nhà chùa cùng với nhân dân địa phương xây dựng lại một ngôi chùa nhỏ, hẹp để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Năm 1992, chùa được trùng tu tôn tạo và tồn tại đến ngày nay. Năm 1994, nhân dân trong làng đã tiến hành xây dựng lại Nhà Mẫu, Nhà Tổ, nhà khách của chùa.
Chùa Ngọc Lâm được xây dựng trong một khuôn viên rộng có nhiều cây xanh, bao gồm cả đình làng với lối kiến trúc “tiền Thần hậu Phật”. Chùa chính được dựng theo kiến trúc kiểu chữ đinh bao gồm Tiền đường và Thượng điện.
Tiền đường là một nếp nhà 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, phía trước xây 2 trụ biểu vuông, thân trụ ghi câu đối, đỉnh trụ đắp lồng đèn, mái chùa lợp ngói ta, bờ – nóc đắp kiểu bờ đinh, giữa bờ nóc đắp Rồng chầu, phía trước đặt một biển đắp nổi 3 đại tự: “Linh Quang tự”.
Tiền đường có 6 bộ vì gỗ, làm theo kiểu “thượng rường giá chiêng hạ kẻ”, mỗi bộ vì có 6 hàng chân cột gỗ đỡ khung vì, các cột gỗ đặt trên chân tảng bằng đá thắt cổ bồng. Trang trí trên kiến trúc chủ yếu là bào trơn, kẻ soi, các con rường được chạm khắc hoa lá cách điệu, lá hoá Rồng, nền nhà lát gạch men hoa. Thượng điện là một nếp nhà 3 gian chạy dọc về phía sau thành hình chữ đinh, lợp ngói ta, nền lát gạch men hoa.
Các bộ vì đỡ mái làm kiểu “thượng rường giá chiêng hạ kẻ”, có 4 hàng chân cột gỗ đỡ khung vì. Trang trí trên kiến trúc tập trung chủ yếu ở các con rường với hoa văn lá lật văn thực vật, lá hoá Rồng... Phía sau chùa còn có Nhà Tổ, Nhà Mẫu.
Nhà Tổ, Nhà Mẫu gồm 5 gian rộng, xây thành 2 nếp, nếp ngoài Nhà Tổ, nếp trong làm Nhà Mẫu, phía trước Nhà Tổ là hệ thống cửa bức bàn, phía sau thông với Nhà Mẫu, gian giữa xây bệ thờ đặt tượng Tổ của chùa.
Trong Nhà Mẫu xây nhiều bệ thờ cao dần, trên cùng là Tam toà Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần, hai bên là động Sơn Trang và ban thờ Cô, Cậu.
Chùa Ngọc Lâm cũng như những ngôi chùa khác ở Việt Nam được dựng lên để thờ Phật, một tôn giáo được du nhập vào nước ta từ rất sớm với hệ thống giáo lý, tư tưởng luân hồi, khuyến thiện. Cách bài trí tượng thờ trong chùa:
Trên cùng là bộ tượng Tam thế thường trụ diệu pháp thân, đặc trưng cho sự tồn tại của nhà phật trên trục thời gian (quá khứ, hiện tại và vị lai). Lớp thứ hai là tượng Di Đà tam tôn, hai bên là tượng Quan Thế âm và Đại Thế Trí. Lớp thứ ba là tượng Thích Ca, hai bên là tượng Thị giả. Lớp thứ tư là bộ tượng Cửu Long Thích Ca sơ sinh. Trong cùng giáp tường hậu là hai pho Quan âm tọa sơn và Quan âm tống tử.
Tại toà Tiền đường, gian bên phải là nơi tọa lạc tượng Đức Thánh Hiền, bên trái là tượng Đức ông, bên cạnh là hai pho tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác.
Ngoài các kiến trúc trên, chùa còn có một số công trình khác như nhà khách, nhà ăn, nhà vọng... phục vụ cho việc sinh hoạt, tiếp khách.
Hiện nay, chùa Ngọc Lâm còn bảo lưu được một số hiện vật như: 1 quả chuông đồng có niên hiệu Duy Tân có dáng đẹp, trên thân ghi tên chuông và họ tên những người công đức; 1 tấm bia hậu bằng đá có niên hiệu Bảo Đại; hơn 20 pho tượng lớn nhỏ mang nghệ thuật thế kỷ XIX – XX; hoành phi, câu đối, hương án gỗ, tam sự bàng đồng, bát hương,...
Trong quá trình tồn tại, ngôi chùa đã trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân làng xã, nơi diễn ra các nghi lễ tín ngưỡng và các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, nơi gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của con người trong cuộc sống hiện tại nơi bảo lưu di dưỡng những truyền thống tốt đẹp của nhân dân địa phương. Chính vì thế, mặc dù nằm trong vùng đô thị hoá rất mạnh của Thủ đô Hà Nội, nhưng chùa Ngọc Lâm vẫn không bị mất đi dáng dấp của một ngôi chùa truyền thống với mái ngói cổ kính, cây cổ thụ xanh tốt bao trùm. Với lợi thế có đường giao thông thuận tiện, nếu được. quan tâm đầu tư thích đáng chắc chắn chùa Ngọc Lâm sẽ là một điểm đến hấp dẫn trong tuyến tham quan du lịch văn hóa của mọi du khách khi đến với quận Long Biên.