Dấu hiệu của sốc nhiệt
Thời tiết nắng nóng kéo dài có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt (say nắng), trụy mạch, tổn thương não với mọi người, nhất là đối tượng người già, trẻ nhỏ hoặc người có công việc phải ra ngoài đường nhiều.
BS Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bệnh liên quan tới nắng nóng, ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới mất nước và chuột rút, trong khi cơ thể không thải đủ nhiệt sẽ dẫn tới suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng cần cấp cứu. Chuột rút, kiệt sức vì nóng hay say nắng thường xuất hiện ở trẻ lớn tham gia hoạt động thể lực kéo dài dưới nắng nóng, ví dụ trong giờ chơi thể thao. Với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan tới nắng nóng là mất nước.
Sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt.
Người bị sốc nhiệt có triệu chứng như nhiệt độ cơ thể tăng, da khô, đau nửa đầu, khó thở, buồn nôn hoặc nôn, nóng bừng mặt.
Nặng hơn có thể bị sốt cao, chóng mặt, ngất xỉu, thậm chí rối loạn hệ thần kinh (mê sảng), rối loạn hô hấp (thở nhanh, rối loạn tim mạch).
Nắng nóng còn có thể dẫn đến tình trạng mất nước do tiết nhiều mồ hôi, làm giảm khối lượng tuần hoàn máu dẫn đến trụy mạch.
Người bị say nắng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây tổn thương cho não, các cơ quan nội tạng trong cơ thể, thậm chí là tử vong.
Với trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng tăng cao ở các nhóm trẻ dưới bốn tuổi, trẻ bị bệnh cấp tính, đặc biệt là sốt và bệnh đường tiêu hóa, trẻ vận động quá nhiều, trẻ đang dùng các loại thuốc làm giảm khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể (ví dụ thuốc kháng histamin chống dị ứng, thuốc lợi tiểu hay thuốc điều trị bệnh tâm thần), trẻ từng có tiền sử bị bệnh liên quan tới nắng nóng.
Cách xử trí sốc nhiệt
Việc sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân bị sốc nhiệt là rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị và di chứng sau này. Theo các chuyên gia y tế, ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện như: mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, nôn ói thì phải khẩn trương sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.
Không dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân trong trường hợp này vì thuốc hạ sốt không có giá trị khi bị sốc nhiệt. Trước tiên, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới khu vực có bóng mát, bỏ bớt quần áo và thực hiện các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân. Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, đặt túi chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng.
Đồng thời, gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân xuống còn 38,5 hay 39 độ C và chuyển đến cơ sở y tế nhanh nhất.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân, khi gặp bệnh nhân bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, cần phải cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh.
Để phòng nắng nóng, sốc nhiệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khuyến cáo tới người dân:
Hạn chế đi ra ngoài đường, trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính chống nóng.
Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, có thể uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol. Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Những người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, phải tạm dừng nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể.
Đặc biệt, thời điểm 12 - 16 giờ là nhiệt độ cao nhất trong ngày, do vậy không lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này. Vì cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.
Một số thực phẩm chống sốc nhiệt
Để chống sốc nhiệt ngoài việc bổ sung nước, bạn nên bổ sung những thực phẩm làm mát cơ thể như:
Nên tăng cường các loại rau quả để làm mát cơ thể vào mùa hè
Nên tăng cường các loại rau quả để làm mát cơ thể mùa hè.
- Dưa chuột: Loại quả này chiếm tới 95% là nước,và không nên bỏ vỏ dưa vì chưa thành phần là vitamin C, chất chống oxy hóa,...
- Dưa hấu: Giúp cơ thể mát mẻ và sảng khoái trong thời tiết quá nóng.
- Cần tây: Tương tự như dưa chuột, cần tây cũng chứa rất nhiều nước, tới 96%. Chỉ hai hay ba cọng cần tây có thể bổ sung một lượng khoáng quan trọng gồm natri, kali, magiê, canxi, phốt pho, sắt và kẽm.
- Kiwi: Kiwi là loại trái cây ngon ngọt, chứa chất điện giải quan trọng, giảm mất nước ở cơ thể.
- Qủa lựu: Hạt lựu không chỉ chứa rất nhiều nước, mà cũng rất giàu chất chống oxy hóa, thậm chí còn vượt qua cả vang đỏ và trà xanh. Một phần nước ép lựu quả là cách tuyệt vời để giúp thải loại độc tố ra ngoài cơ thể.
- Hạt é: Là loại hạt tốt cho sức khỏe vào mùa hè nên bổ sung trong khẩu phần để cơ thể dễ dàng vượt qua cái nóng.
- Bạc hà: Có vị ngon ngọt và nhiều chất xơ.
- Quả lê: Không chỉ có vị ngon ngọt, mà còn có nnhiều chất xơ rất tốt cho cơ thể.
- Cá hồi tự nhiên: Thực phẩm này giúp não điều khiển thân nhiệt, chứa các chất rất có lợi cho cơ thể.