Giáo dục đào tạo là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 25.7 về tình hình kinh tế - xã hội.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đã nêu những băn khoăn, trăn trở về việc học sinh phải tạm dừng đến trường trong thời gian dài để phòng chống dịch bệnh.
“Việc không thể đến trường ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của học sinh, nhất là các cháu bậc mẫu giáo và tiểu học”- nhấn mạnh điều này, đại biểu An đề xuất cần sớm xây dựng mô hình trường học an toàn để học sinh được đến trường.
Ông đề nghị thời gian tới cần quan tâm đến giáo dục, dạy học, thi cử trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
“Chúng ta xác định là sẽ sống chung với dịch COVID-19, chưa biết đến bao giờ mới có thể kết thúc được đại dịch, nên đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cần xây dựng mô hình trường học an toàn để đưa trẻ đến trường, các cháu học sinh không thể ở nhà và học trực tuyến mãi được”- Đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất.
Cũng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) lại bàn tới kế hoạch, lộ trình để nâng cao chất lượng giáo dục.
Đại biểu cho rằng, trong 5 năm tới, Chính phủ, ngành giáo dục cần kiên trì, kiên quyết triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI.
Cũng theo đại biểu Thúy, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung xây dựng chiến lược giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, cử tri mong muốn, chiến lược này cần sớm được ban hành, để tạo sự thống nhất trong triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch giáo dục, đào tạo của toàn ngành và từng địa phương.
Đồng thời, cử tri cũng mong muốn ngay trong năm 2021, đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm, triển khai thật tốt lộ trình thay sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Đây là vấn đề rất hệ trọng sẽ được triển khai trong suốt nhiệm kỳ 2021-2025. Do đó, việc thay sách giáo khoa cần triển khai bài bản, khoa học, định kỳ, nên có đánh giá lại tình hình triển khai và liên tục rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo”- đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh.
Sau thời gian dài phải học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sức khỏe tâm thần của học sinh đang là vấn đề được nhiều quốc gia đặt ra.
Tại Mỹ, kết quả khảo sát trên 2,2 triệu học sinh vào đầu năm nay cho thấy đã có sự gia tăng đáng kể của tình trạng căng thẳng và các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe tâm thần của học sinh tại Mỹ.
Ông Chris Dede - Giáo sư khoa giáo dục sau đại học tại Đại học Harvard - cho biết có nhiều nghiên cứu cho thấy học sinh phải nghỉ học do ốm đau, không được gặp bạn bè sẽ chịu tác động tâm lý tiêu cực.
Các chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng, sau một thời gian dài phải học theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp, tới thời điểm này, vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh sẽ trở thành ưu tiên lớn với các cơ sở giáo dục.