Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em được đăng tải trên mạng xã hội có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này. Vậy nên người lớn chúng ta cần giáo dục cho trẻ càng sớm càng tốt các kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, để trẻ có kiến thức và phản xạ phòng vệ trong những tình huống xấu nhất. Vậy làm sao để dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em? Dưới đây là một vài kỹ năng các bậc phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ để biết cách phòng tránh.
Thế nào là hành vi xâm hại trẻ em?
Bất kỳ hành động nào có chủ ý gây tổn thương hoặc nguy hại đến trẻ đều là hành vi xâm hại trẻ em. Xâm hại trẻ em có 4 hình thức, gồm: Xâm hại thể chất; xâm hại tình dục; xâm hại tinh thần và xâm hại xao nhãng.
6 kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em
Bố mẹ thường chú trọng dạy cho trẻ các kỹ năng sống như tự lập trong thói quen sống hằng ngày, biết chia sẻ, biết hợp tác,... nhưng lại chủ quan và chưa thực sự quan tâm tới vấn đề dạy trẻ phòng tránh bị xâm hại, phòng vệ cũng như bảo vệ bản thân trong các tình huống xấu. Việc dạy trẻ các kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em cần được giáo dục từ sớm cho trẻ, đặc biệt là trẻ từ 4 tuổi trở lên, bởi theo nhiều nghiên cứu thì 4 tuổi là độ tuổi mà trẻ dễ bị tổn thương nhất. Để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị tổn thương, bố mẹ nên dạy trẻ phòng chống xâm hại với 6 kỹ năng cơ bản dưới đây:
1. Dạy trẻ về các bộ phận trên cơ thể
Nhiều bé bị kẻ xấu xâm hại trong trạng thái không tự nhận biết được mức độ nghiêm trọng của vấn đề do bé quá ngây thơ và chưa có nhiều kiến thức về cơ thể của chính mình. Thế nên việc đầu tiên bố mẹ cần làm để dạy trẻ phòng chống xâm hại chính là hướng dẫn cho con biết về cơ thể của mình, đặc biệt là vùng kín của trẻ. Bố mẹ nên bắt đầu việc này càng sớm càng tốt, khi trẻ được 3 tuổi cho tới khi trẻ lớn hơn. Với trẻ con nhỏ, bố mẹ chưa cần giải thích quá kỹ mà nên bắt đầu dạy trẻ nhớ tên các bộ phận trên cơ thể. Khi trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể dạy chuyên sâu về khu vực vùng kín, hướng dẫn cho trẻ bảo vệ khu vực này cũng như cách vệ sinh cá nhân. Đồng thời, bố mẹ cần căn dặn trẻ rằng không ai được phép nhìn hay sờ chạm vào những bộ phận này, ngoại trừ bố mẹ khi tắm cho trẻ và bác sĩ khi khám bệnh với sự có mặt của bố mẹ.
2. Dạy trẻ về ranh giới cá nhân
Hãy dạy cho trẻ biết về ranh giới cá nhân và vùng nhạy cảm trên cơ thể. Và điều quan trọng nhất chính là: không ai được phép sờ chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ, và ngược lại, con cũng không được phép đụng chạm vào bộ phận sinh dục của người khác. Mặc dù cả hai vế trên đều quan trọng như nhau, nhưng có rất nhiều bố mẹ chỉ dạy cho con điều thứ nhất đó là bảo vệ bản thân, nhưng lại không dạy con điều còn lại là tôn trọng cơ thể người khác. Phần lớn những vụ xâm hại tình dục trẻ em, người thực hiện không ai khác lại chính là những người bạn gần gũi của trẻ. Thế nên bố mẹ hãy đảm bảo việc dạy cho bé cả 2 điều trên.
3. Khuyến khích trẻ kể về hoạt động hàng ngày của chúng
Trẻ nhỏ còn ngây thơ và ít cảnh giác, thế nên không phải trẻ nào cũng đủ nhận thức để biết được tình huống nào là nguy hiểm. Thế nhưng việc đe dọa trẻ bằng cách đưa ra một loạt ví dụ về xâm hại tình dục sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy khó hiểu và sợ hãi. Thay vào đó, bố mẹ hãy gần gũi trẻ, thường xuyên tâm sự về các hoạt động hằng ngày của con. Nhờ đó, trẻ sẽ hình thành niềm tin ở bố mẹ và có thói quen tâm sự thoải mái về bất kỳ chủ đề nào trong cuộc sống. Điều này sẽ khiến cho những lời đe dọa của kẻ xấu trở nên vô ích (kẻ xấu thường dọa và cấm trẻ kể lại chuyện này cho bất cứ ai, khiến người thân của trẻ không nắm được sự việc).
4. Kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm
Trẻ nhỏ thường có tâm lý ngại từ chối người khác, đặc biệt là với bạn bè hoặc những người hơn tuổi vì sợ bị ghét, sợ bị cô lập và tâm lý non yếu, dễ hoảng sợ khi bị người khác dọa nạt. Tất cả những yếu tố đó khiến trẻ trở thành đối tượng lý tưởng cho kẻ xấu thực hiện hành vi đồi bại. Vì lý do này, bố mẹ nên dạy trẻ cách phản ứng, giao tiếp phù hợp để có thể thoát khỏi các tình huống bất lợi. Bố mẹ có thể đưa ra các tình huống giả định và hỏi xem cách xử lý của trẻ là gì, sau đó hãy hướng dẫn cho con cách xử lý tốt nhất.
5. Dặn trẻ không nên giữ bí mật với bố mẹ khi bị đe dọa
Trẻ nhỏ biết rất rõ kẻ xâm hại mình là ai, thế nhưng kẻ xấu thường đe dọa trẻ với nhiều lý do, khiến cho trẻ sợ, lo lắng và giữ im lặng về chuyện này. Thế nên, bố mẹ cần làm công tác tư tưởng cho bé, thường xuyên tâm sự và hỏi thăm bé về các hoạt động hằng ngày để tạo niềm tin vững chắc cho con. Đồng thời hãy nhắn nhủ con rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh bảo vệ và giúp đỡ con, không bao giờ trách mắng hay trừng phạt con vì những điều mà con gặp phải. Đặc biệt, nếu con bị người xấu đe dọa, khiến con sợ hãi, hãy nói với bố mẹ để bố mẹ có thể bảo vệ con.
Bên cạnh đó, bố mẹ và trẻ cũng nên tạo ra những ám hiệu riêng để sử dụng trong những tình huống bất an, điều này đặc biệt hiệu quả và khiến trẻ cảm thấy an tâm hơn khi kẻ xấu lại chính là những người thân thuộc với gia đình. Bố mẹ cũng cần chú ý quan sát biểu hiện của trẻ để nắm bắt tình hình, bởi đôi khi trẻ quá khép mình và sẽ không chủ động chia sẻ nếu bị xâm hại. Bố mẹ nên đặc biệt cảnh giác nếu trẻ đột nhiên tỏ ra hoảng sợ khi bị người nào đó chạm vào người, không muốn tiếp xúc và muốn tránh xa những người trước đây trẻ vô cùng yêu mến.
6. Dạy trẻ đề cao cảnh giác cả với những người thân thiết
Hãy cho trẻ biết rằng bất cứ nơi đâu cũng đều có thể xảy ra nguy hiểm: tại sân chơi, ở trường học, công viên,... và bất cứ ai cũng có thể là kẻ xấu như: hàng xóm, họ hàng xa, bạn bè… Vì vậy, con cần cảnh giác với những người có biểu hiện, hành vi không đứng đắn và không tôn trọng con.
Người Việt có thói quen đó là hồn nhiên sờ chạm, cấu véo vào vùng nhạy cảm của trẻ và cho rằng đó là hành động rất đỗi bình thường để thể hiện sự quan tâm và tình cảm. Tuy nhiên, đó là hành vi xâm hại trẻ em, khiến cho trẻ khó chịu. Nếu hành vi diễn ra thường xuyên thì có thể khiến trẻ lầm tưởng rằng đó thực sự là một cách để thể hiện tình cảm, mất cảnh giác rồi trở thành nạn nhân của kẻ xấu, thậm chí trẻ có thể là người tiếp theo thực hiện hành vi này và “lan tỏa” tư duy nguy hiểm này rộng thêm. Chính vì thế, bố mẹ cần kiểm soát những hành động đó từ những người xung quanh để bảo vệ trẻ, đồng thời phải dặn dò con thông báo lại cho bố mẹ nếu bất kỳ ai có hành vi như vậy với con, và dạy con cách tri hô cầu cứu nếu cần thiết.
Được bảo vệ khỏi mọi tình huống nguy hiểm nói chung và những kẻ xâm hại nói riêng là quyền của mọi đứa trẻ. Hy vọng rằng bố mẹ sẽ luôn đề cao cảnh giác và có trách nhiệm giáo dục trẻ các kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi vấn nạn này.